Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn thứ dân cần

Bài, ảnh: Hữu Hoài| 23/09/2011 07:21

(HNM) - Hà Nội xây dựng đề án đào tạo (ĐT) nghề cho lao động (LĐ) nông thôn (NT) giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên lựa chọn những ngành nghề có lợi thế so sánh để đưa vào dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).


Hướng đi đã mở


Dạy nghề đính cườm cho nông dân xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín.    

Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ LĐ qua ĐT cao nhất nước (31,1%), cả nước là 13,3%. Thế nhưng, việc phân bố LĐ qua ĐT không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng NT. Có huyện tỷ lệ LĐ chưa qua ĐT cao như: Mỹ Đức 91,4%, Ứng Hòa 90,1%, Phú Xuyên 89,9%, Ba Vì 89,8%, Chương Mỹ 89,8%, Phúc Thọ 89,8%, Quốc Oai 89%, Thanh Oai 88,8%, Thạch Thất 87,4%... Số lượng LĐ qua ĐT tập trung chủ yếu trong nội thành, số lượng LĐ ngoại thành chưa qua ĐT nghề rất cao, khoảng 84,06% chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 18-43. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều vùng NT dôi dư LĐ nhưng thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Phần lớn, LĐNT Hà Nội hiện nay làm việc trong tình trạng đói kiến thức, kỹ năng sản xuất của họ chủ yếu qua kinh nghiệm.

Để giải quyết việc làm cho LĐNT đáp ứng được các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, UBND TP Hà Nội vừa ban hành dự thảo đề án ĐT nghề cho LĐNT thành phố Hà Nội đến năm 2020. Đây là hướng đi tất yếu để khuyến khích, huy động toàn xã hội tham gia vào ĐT nghề cho LĐ ở NT. Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn ĐT nghề với tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, NT một cách toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Dự thảo đề cập, đến năm 2015, sẽ nâng tỷ lệ LĐ ở khu vực ngoại thành qua ĐT lên 45% và đến năm 2020 lên 70%, bình quân mỗi năm ĐT nghề cho 62.000 lao động ở NT. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 ĐT cho 310.000 LĐ, bao gồm 79.000 người qua các trường lớp cao đẳng, trung cấp nghề, 57.000 người qua sơ cấp và loại hình ĐT dưới 3 tháng là 174.000 người; giai đoạn 2016-2020 ĐT nghề cho 310.000 LĐ, riêng LĐ qua các trường cao đẳng, trung cấp nghề được nâng lên 80.000 người, sơ cấp nghề 80.000 người và ĐT dưới 3 tháng là 150.000 người.

Lựa chọn ngành nghề lợi thế

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, nông nghiệp Hà Nội đang hướng đến các mục tiêu chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, Hà Nội phải căn cứ vào mục tiêu của ngành nông nghiệp để xác định việc ĐT nghề cho LĐNT, tránh việc đổ công sức, tiền của vào việc ĐT nhưng không mang lại hiệu quả ứng dụng thực tế. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung ĐT nghề theo hướng chuyên sâu như tập huấn phổ biến kỹ thuật, trình diễn các mô hình... tập trung vào các mảng có lợi thế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, bò thịt, bò sữa, nuôi cấy mô, trồng hoa công nghệ cao, trồng cây ăn quả, rau an toàn, cây cảnh, phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, quản lý tưới tiêu. Theo ông Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc bộ, việc nắm nhu cầu sử dụng lao động phải đi trước một bước, phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau để kịp thời bổ sung thông tin nhu cầu về những nghề mới với quy mô và trình độ phù hợp. Bởi nhu cầu sử dụng lao động chính là đầu ra của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì, ở trình độ nào.

Đối với các ngành phi nông nghiệp, bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, các địa phương cũng phải lựa chọn ngành nghề cho phù hợp, xã nào, huyện nào có lợi thế nghề gì thì dạy cho nông dân nghề đó, tránh ĐT nghề tràn lan, không phát huy hiệu quả. Các ngành nghề chiếm ưu thế như khảm trai, sơn mài, thêu, may công nghiệp, sản xuất hàng mây tre đan... nên đưa vào giảng dạy, bởi đây được xem là nhóm ngành nghề cho thu nhập khá và tạo nhiều việc làm cho LĐNT. Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội đưa ra quan điểm, ĐT đừng đưa cái quá xa vời cho người nông dân, bà con cần gì thì đào tạo cái đó. Hãy dạy theo nhu cầu thực tế, bám sát định hướng phát triển NT tại các xã để ĐT đúng với các mô hình khuyến nông, khuyến công. Dạy nghề gắn với phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, do đó địa phương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Về phía chính quyền cơ sở, ông Đinh Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng bày tỏ, việc đào tạo nghề phải theo nhu cầu của các DN, cơ sở SXKD chứ không phải theo khả năng của các cơ sở dạy nghề; cần phải tuyên truyền vận động tốt hơn nữa để cán bộ và nhân dân nhận thức tầm quan trọng của công tác ĐT nghề cho LĐNT. Trong thực tế, nhiều địa phương coi dạy nghề chỉ có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống, chưa thực sự coi trọng ĐT nhân lực trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ. Nói theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, ĐT nghề cho LĐNT là con đường hiệu quả cao nhất để ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn thứ dân cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.