(HNM) - Chọn 2 trong 4 vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, gây bức xúc lớn trong nhân dân để Quốc hội xem xét thực hiện - Đó là đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 25-7 về Chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội. Đồng thuận với chủ trương quan trọng này và theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và cải cách tổ chức, bộ máy hành chính cần đặc biệt quan tâm.
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.Ảnh: TUẤN VŨ |
Làm rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, UBTVQH đề nghị tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình năm 2017 của Quốc hội cần dựa trên nguyên tắc: Là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật, đồng thời không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong khoảng 3 - 5 năm tính đến thời điểm đề xuất.
Trong 4 nội dung gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh; an toàn thực phẩm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP), UBTVQH đề xuất Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 nội dung để thực hiện trong năm 2017. Hai nội dung còn lại sẽ giao cho UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội.
Nhận định 4 nội dung giám sát UBTVQH đưa ra đều rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, nhìn tổng thể đây đều là những vấn đề bức xúc, có điểm chung: Sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). “Nếu bộ máy có đội ngũ CBCC chuẩn mực, sẽ không có tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở nhiều nơi, không để tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan” - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh. Đại biểu cho rằng, giám sát cải cách bộ máy hành chính nhà nước cần đi vào cụ thể, làm rõ các quy định của pháp luật về trách nhiệm của CBCC trong thực thi công vụ.
Thống nhất với đánh giá của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) nêu, vấn đề bức xúc đặt ra trong đời sống rất nhiều, nhưng trong phạm vi một năm, Quốc hội không thể thực hiện hết. Năm 2017, Quốc hội nên tập trung đánh giá thực trạng bộ máy CBCC gắn với cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2016, xem yếu kém bắt nguồn từ đâu? Đại biểu Bùi Văn Phương phản ánh: Cử tri nhận định, năng lực của cán bộ không kém, những vấn đề bức xúc, chính quyền địa phương đều biết rõ… nhưng không xử lý triệt để, vì nhiều lý do. Đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, không để tình trạng “đổ lỗi” cho nhau.
Không để thực phẩm "bẩn" hủy hoại chất lượng sống
Vấn đề cải cách tổ chức, bộ máy hành chính là một trong những nội dung giám sát của Quốc hội. Ảnh: Thái Hiền |
Một vấn đề quan trọng khác là thực phẩm "bẩn" đang hủy hoại chất lượng cuộc sống con người. Cũng không loại trừ dấu hiệu tha hóa của một bộ phận CBCC trong thực thi công vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) phản ánh, đây là nội dung được Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại kỳ họp thứ ba, nhưng chưa có “thuốc đặc trị”. Việc Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát sẽ có cơ sở đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng đối với kiến nghị của Quốc hội khóa trước về vấn đề này. Qua đó, Quốc hội kiểm điểm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ không để điều chỉnh.
Cũng nhìn nhận an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) lo lắng trước thực tế: Tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến thực phẩm, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm hiện nay đều có nguy cơ không an toàn. Trong quản lý nhà nước, vấn đề an toàn thực phẩm có 3 bộ cùng tham gia là Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung. Chưa kể, trong công tác điều hành, phối hợp chưa có đầu mối chỉ đạo, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân...
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các nội dung trọng tâm nêu trên, Quốc hội cần tăng cường hơn công tác giám sát về thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác "hậu giám sát", đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội để kết quả giám sát không rơi vào quên lãng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Ngoài nội dung UBTVQH đề xuất, Quốc hội cần có thêm chuyên đề liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là với những dự án như Formosa, bởi đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.