(HNM) - Xây dựng thành phố thông minh - TPTM (smart city) là xu hướng được các đô thị trên thế giới áp dụng, để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ảnh minh họa. |
Giải quyết vấn đề của "siêu" đô thị
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) TP Hà Nội đầu tháng 2-2017, lần đầu tiên Tập đoàn Viettel đã thuyết trình đề án TPTM của Hà Nội. Trong phần diễn giải, chuyên gia tư vấn của Viettel cho rằng, Hà Nội là một "siêu" đô thị, với dân số 7,5 triệu người, diện tích 3.328,9km2 và đang phải đối mặt với những tồn tại như: Ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, ô nhiễm môi trường...
Vì vậy, khung kiến trúc cho TPTM (dựa trên nền tảng cốt lõi là CNTT - viễn thông) với 4 lĩnh vực chính: Quản trị, kinh tế, môi trường, xã hội và bổ sung thêm 2 trụ cột: Con người, di động. Trong đó, Tập đoàn này đề nghị trước mắt thực hiện các đề án: Dịch vụ công thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh.
Về phát triển dịch vụ công thông minh, với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, Viettel xây dựng mô hình dữ liệu mở có khả năng tương tác cho các khối dịch vụ phục vụ con người. Dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố và Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; tích hợp đồng bộ các cơ sở dữ liệu tập trung về con người (gồm cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu về dân số) để chủ động trong việc phân tích các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Viettel đề xuất có thể sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tính phí thuê các hệ thống tích hợp dữ liệu theo giao dịch.
Về y tế thông minh, các nhóm ứng dụng phục vụ nhân dân, du khách gồm: Nhóm ứng dụng chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, điều trị ban đầu; quản lý khám chữa bệnh; quản lý nội bộ và quản lý nhà nước về y tế. Ở ứng dụng này, Viettel đề xuất xây dựng hệ thống trao đổi thông tin y tế và cơ sở dữ liệu bệnh nhân tập trung kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố; hỗ trợ triển khai phần mềm y tế tới các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn...
Thu phí phương tiện vào nội đô
Riêng lĩnh vực giao thông, từ giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng giao thông thông minh để giải quyết ùn tắc giao thông... Được biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị đầu tiên đang thí điểm hình thức thu phí đỗ xe theo giờ. Tham gia xây dựng TPTM cho Hà Nội, Viettel đã đề xuất xây dựng giao thông thông minh dựa trên hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị, gồm: Hệ thống giám sát giao thông; hệ thống điều khiển giao thông đô thị; hệ thống xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông và trung tâm điều khiển xử lý giao thông; quản lý giao thông trên cao tốc; quản lý tại hầm đường bộ; quản lý trên quốc lộ; quản lý giao thông công cộng (trong đó có quản lý bãi đỗ xe thông minh).
Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống thông tin giao thông; các dịch vụ thanh toán điện tử trong giao thông (thu phí không dừng trên cao tốc, thu phí chống ùn tắc giao thông nội đô...). Trong đó, để thực hiện thu phí điện tử, chuyên gia Viettel đề xuất áp dụng hình thức vé thông minh, với giải pháp công nghệ không dây chung cho các loại phí giao thông, thanh toán và các ứng dụng khác. Người dân có thể thanh toán các loại phí đa dạng như vé xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, vé đỗ ô tô, thuê xe đạp...
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội ưu tiên xây dựng giao thông thông minh, coi đó là khâu quan trọng và đầu tiên để triển khai TPTM. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, để giảm ùn tắc giao thông, một trong những giải pháp là thu phí phương tiện vào nội đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.