(HNM) - Quyết định 315 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Vừa
Khó xác định đối tượng, thiệt hại
Người nông dân tham gia BHNN sẽ giảm gánh nặng khi gặp rủi ro trong sản xuất. Ảnh: Huy Hùng
Việc triển khai BHNN đang được 20 tỉnh, TP thực hiện, tuy nhiên, cái khó nhất khi triển khai chính là việc xác định và chọn lựa đối tượng phù hợp. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, vấn đề thực hiện thí điểm BHNN đang gặp nhiều vướng mắc nên phải thu hẹp quy mô thực hiện để triển khai bước đầu thành công. Nếu lần này cứ làm đại trà, dẫn đến thất bại thì khó có thể mở rộng ở các địa phương khác. Vì vậy, các địa phương phải căn cứ vào thế mạnh, điều kiện phát triển mà chọn mô hình, chọn vùng cho phù hợp. Phải chọn những vùng sản xuất tập trung, không lựa chọn hình thức phân tán thì việc thí điểm BHNN mới thành công. Có một điểm khiến không ít các địa phương băn khoăn là, theo Dự thảo thực hiện thí điểm BHNN, Nhà nước hỗ trợ 100% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất tham gia; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo được hỗ trợ 80%; hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm… Tuy nhiên chính sách lại quy định: Nếu tham gia BHNN, các hộ phải có quy mô diện tích lớn, có quy trình công nghệ sản xuất cao... Thực tế, phần lớn mỗi hộ nông dân chỉ làm một vài sào đến 1 hoặc 2ha trồng cây lương thực hay 3 đến 5ha trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Điều này khiến các DN bảo hiểm băn khoăn vì không thể nào ký hợp đồng với cả triệu hộ nông dân. Đó là chưa nói đến chuyện quản lý sao cho có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho DN bảo hiểm. Còn đối với hộ nghèo, nếu tuân theo quy định và tiêu chuẩn về nuôi trồng thì hầu như không đủ điều kiện, vì đã nghèo thì không có diện tích lớn để sản xuất, kinh phí đầu tư theo quy định của Bộ NN&PTNT đưa ra. Nếu vậy, vô hình trung những hộ nghèo cần tham gia BHNN sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi" này. Theo khảo sát thực tế của Bộ NN&PTNT tại các địa phương thì không hộ nghèo nào đạt tiêu chuẩn để được tham gia BHNN, vì nếu theo tiêu chí hộ nghèo thì không có đất để sản xuất, mà không có đất sản xuất thì không thể tham gia BH.
Hiện, ba đơn vị được chỉ định tham gia BHNN là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty CP Bảo Minh và Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, các "đối tác" này cũng đang gặp khó khăn khi triển khai. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý nghiệp vụ BH Bảo Minh cho biết, BHNN là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm BH phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới. Nhưng với Việt Nam, BHNN là sản phẩm còn nhiều "rủi ro" nên các DN không hào hứng. Hiện sản xuất manh mún, đồng thời hiểu biết về BHNN chưa nhiều nên khó thuyết phục khách hàng tham gia. "Với DN, BHNN là nghiệp vụ kinh doanh, không phải là công tác từ thiện xã hội" - Ông Minh nhấn mạnh. Đa phần các DN tham gia BH lần này đều có tâm lý chung như vậy. Hơn nữa, việc xác định rủi ro, thiệt hại cũng cần chính xác, nếu không DN sẽ rơi vào thế "bí", thậm chí mất chữ tín chỉ vì những điều được gọi là "ước, khoảng", còn nông dân sẽ mất niềm tin.
Vẫn "đợi" thông tư hướng dẫn
Nhiều địa phương tham gia thí điểm BHNN thắc mắc, tính thời vụ, ảnh hưởng thời tiết và tập quán canh tác mỗi địa phương khác nhau. Nếu cứ áp dụng theo Thông tư về khung thời vụ và quy trình chăn nuôi liệu có phù hợp. Giải đáp kiến nghị này, tại cuộc họp gần đây lấy ý kiến đóng góp vào Thông tư BHNN, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh, các địa phương cần linh hoạt trong việc triển khai BHNN. Điều đáng quan tâm là, các địa phương đang loay hoay trong việc chọn địa điểm, mô hình để triển khai thí điểm bởi 20 tỉnh, TP được chọn vẫn chưa nhận được hướng dẫn chính thức từ phía bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để được hỗ trợ theo quyết định này là người dân phải thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, trồng trọt, phòng dịch theo quyết định của Bộ NN&PTNT, nhưng đến thời điểm này việc hướng dẫn quy trình thực hiện vẫn chậm.
Việt Nam luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp (SXNN). Theo tính toán, mỗi năm, tổng giá trị thiệt hại trong SXNN của nước ta do những yếu tố khách quan lên đến gần 5% GDP của cả nước. Vì vậy Chính phủ ban hành Quyết định 315 cho phép triển khai thí điểm BHNN là một chính sách, chủ trương lớn, hợp lý. Theo thống kê của các DN tham gia BHNN, tỷ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Đây chính là nguyên nhân khiến BHNN dù được triển khai ở Việt Nam từ rất lâu nhưng không mở rộng được. Cùng với khó khăn trên thì người tham gia BHNN vẫn chưa hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm của mình. Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện quy trình sản xuất, bởi làm tốt trong quá trình sản xuất, chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh thì có lợi hơn so với nhận bảo hiểm, tránh tư tưởng muốn lấy tiền bảo hiểm mà để xảy ra dịch bệnh là rất nguy hiểm. Dù BHNN đang phải đối diện với thách thức song Bộ NN&PTNT khẳng định, khó đến mấy cũng phải thực hiện bằng được. Nếu thiên tai, dịch bệnh tiếp tục rình rập thì thiệt hại khó lường, không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống nông dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam có đến 70% dân số làm nông nghiệp, là đất nước có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, BHNN là tất yếu để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững. Để chủ trương này sớm triển khai hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, tránh tâm lý "ngồi chờ" và "làm cho xong chuyện". Bởi đây là vấn đề an ninh lương thực của một quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.