(HNM) - LTS: Hôm nay, ngày 1-6, cùng với học sinh (HS) cả nước, hơn 1,7 triệu HS mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố chính thức bước vào kỳ nghỉ hè năm 2016. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) với mục tiêu bảo đảm cho trẻ phát triển toàn diện, coi trọng giáo dục kỹ năng, đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm không chỉ của ngành GD-ĐT, mà cả cộng đồng.
Trẻ em được học tập và vui chơi một cách khoa học sẽ phát triển toàn diện.Ảnh: Anh Tuấn |
Câu hỏi: Chơi gì, ở đâu để con trẻ được vừa chơi, vừa học trong kỳ nghỉ hè dường như đã trở thành mối quan tâm thường trực của toàn xã hội.
Năm nay là năm thứ hai, chủ trương mở cửa trường học trong dịp hè được lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo tới phòng GD-ĐT của 30 quận, huyện, thị xã nhằm tạo thêm địa điểm vui chơi lành mạnh cho HS. Cấm dạy thêm học thêm, lùi thời gian ôn tập văn hóa, tăng hoạt động tập thể, bổ sung chương trình rèn luyện, định hướng phát triển kỹ năng, năng khiếu, mở cửa thư viện… là những nội dung được ngành Giáo dục coi trọng dịp hè này.
Chật vật để học sinh bớt… học
Để HS được "nghỉ hè" theo đúng nghĩa, vài năm trở lại đây, ngành GD-ĐT đã ra nhiều văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường về việc xây dựng kế hoạch hoạt động trong hè cho HS. Tùy theo cấp học, kế hoạch tổ chức hoạt động hè đặt ra những quy định phù hợp với lứa tuổi, yêu cầu nhiệm vụ. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Yêu cầu đối với các nhà trường trong việc tổ chức hoạt động hè cho HS là thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, khuyến khích HS tham gia với mục tiêu tạo tâm thế phấn khởi, vui tươi, sẵn sàng bước vào năm học mới.
Điểm mới trong kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm nay là lùi thời gian ôn tập văn hóa vào sau ngày 1-8, thay vì ngày 20-7 như năm trước. Các nhà trường không được ép buộc HS học thêm trong dịp hè dưới bất kỳ hình thức nào; không được dạy trước chương trình của năm học 2016-2017. Quy định nghiêm ngặt về việc giảm thời lượng, tránh áp lực vì học văn hóa cũng được đặc biệt lưu tâm với HS đầu cấp bởi số đối tượng này sẽ được tuyển sinh vào giữa kỳ nghỉ hè - tháng 7, với yêu cầu không được tổ chức ôn tập, luyện thi, thi, kiểm tra, khảo sát… để tổ chức phân ban, chia lớp.
Quy định là vậy, còn trên thực tế, việc triển khai chưa phải nơi nào cũng được như mong muốn. Bà Mai Thị Kim Tình, phụ huynh HS Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên cho rằng cho HS nghỉ hè hai tháng liền là quá dài, khi đi học trở lại sẽ vất vả và mất nhiều thời gian. Còn anh Lê Anh Tuấn (phố Hoa Lâm, Đức Giang) có con chuẩn bị vào lớp 1 lo lắng khi thấy có khá nhiều đồng nghiệp cho con đi học trước chương trình lớp 1, nên cũng đôn đáo gửi con đi học chữ, sợ rằng con mình sẽ không theo kịp các bạn khi vào năm học mới. Không ít ông bố, bà mẹ cho rằng nghỉ hè là dịp con trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi nhất nên tập trung cho con đi học thêm văn hóa, học ngoại ngữ... Đón biết tâm lý, nhu cầu ấy của các bậc phụ huynh, nhiều lớp học thêm, lò luyện viết chữ đẹp ra đời. Thậm chí, vào dịp cận hè, ở nhiều trường mầm non, các lớp mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ trẻ chuyên cần giảm mạnh, bởi các bé còn bị bận… đi học chữ.
Chủ trương được coi là quyết liệt để giảm bớt áp lực học tập, tăng thời gian vui chơi cho trẻ em cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ quy định cấm tuyệt đối việc dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học được Bộ GD-ĐT ban hành vào tháng 5-2012; đồng nghĩa với việc, HS tiểu học sẽ nghỉ trọn vẹn ba tháng hè mà không vướng bận bất cứ một hoạt động nào ở trường. Quy định này được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có không ít ông bố, bà mẹ, vì nhiều lý do, như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng đề cập, là xuất phát từ lợi ích người lớn nhiều hơn, nên đều muốn bằng cách nào đó nhồi chữ cho con vào dịp này. Thế mới có chuyện trớ trêu mà báo chí từng nêu ở nơi này, nơi kia, đoàn kiểm tra rình bắt cô - trò dạy - học thêm như bắt trộm!
Xoay xở với giáo dục kỹ năng
Trẻ em thường hào hứng với các trò chơi dân gian. Ảnh: Anh Tuấn |
Việc rèn kỹ năng sống, biết ứng xử các tình huống thực tế là yêu cầu đặt ra với ngành GD-ĐT trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ. Yêu cầu ấy được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các nhà trường ngay cả trong dịp hè. Chủ trương mới của ngành GD-ĐT Thủ đô năm nay là đề xuất với UBND quận, huyện, thị xã cho phép sử dụng các trường học làm khu vui chơi cho HS trong dịp hè, đồng thời mở cửa thư viện, sẵn sàng đón các em đến đọc sách trong kỳ nghỉ hè. Đây được coi là động thái tích cực thể hiện sự chung sức của ngành Giáo dục để HS có thêm nhiều cơ hội được vui chơi an toàn, lành mạnh và bổ ích, với tinh thần chơi mà học.
Kế hoạch hoạt động hè của các trường học quận Tây Hồ năm nay tập trung vào việc giáo dục kỹ năng và vận động HS tới đọc sách tại thư viện nhà trường. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận nhận định: Đây là hai nội dung quan trọng, có tác động tích cực trong công tác giáo dục HS, vì thế các nhà trường trên địa bàn được nhắc nhở phải đặc biệt lưu tâm khi triển khai.
Hy vọng rằng, cùng với hệ thống thư viện tại các phường, việc mở cửa thư viện trường học trong dịp hè sẽ góp phần lôi cuốn thêm nhiều HS đến đọc sách. Hoạt động giáo dục kỹ năng cho HS trên địa bàn quận Tây Hồ năm nay cũng thu hút sự tham gia của nhiều HS. Điển hình là việc triển khai dự án bảo vệ môi trường tại Trường THCS Đông Thái. Được đi thực tế tại công viên, khu du lịch sinh thái... các em dần hình thành ý thức tự giác về bảo vệ môi trường. Quá trình tham gia dự án cũng giúp các em học được cách tận dụng những phế liệu để tạo thành các vật dụng có ích phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho việc dạy bơi cho HS tại các quận, huyện, thị xã đang được xem xét đề xuất triển khai ngay trong hè này, góp phần từng bước giải quyết tận gốc tình trạng HS bị đuối nước. Kế hoạch hoạt động hè của ngành năm nay đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường phối hợp với đơn vị liên quan tập trung tổ chức các nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… cho HS nhằm xây dựng phong cách HS Thủ đô văn minh, thanh lịch. Cùng với đó, Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị về việc tổ chức hoạt động hè cho HS, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đoàn thể liên quan tới mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho HS Thủ đô phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.