Ngày 14-6, tại Phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2022 và bổ sung Chương trình năm 2021 những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai là bảo đảm tính khả thi của chương trình, tránh dồn nhiều dự án vào Chương trình năm 2021 hoặc dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm; không nên bổ sung các dự án vào Chương trình kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ.
Cùng với đó là không đưa vào chương trình các dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào chương trình, nhất là những dự án cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc đã nhất trí bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 2 nghị quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Nghị quyết về cơ chế tài chính cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến vào 6 dự án luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 mà Quốc hội khóa XIV đã thông qua; đồng thời bổ sung 1 dự án luật theo quy trình 1 kỳ họp (dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê quốc gia).
Ủy ban Thường vụ Quốc cũng nhất trí với dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật; thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và cho ý kiến vào 3 dự án luật. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội thông qua các dự án luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ ba và cho ý kiến vào 1 dự án luật khác.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung để giải trình, làm rõ việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; một số công việc đã được giao nhưng quá hạn chưa thực hiện, như trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và nhiều dự án khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan của Quốc hội khi thẩm tra các dự án do Chính phủ trình phải khẳng định rõ quan điểm và khẳng định rằng đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội hay chưa; không thẩm tra những dự án không đầy đủ hồ sơ hoặc hồ sơ gửi đến chậm so với quy định; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc về việc không đưa vào chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc, không đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội các dự án chưa bảo đảm chất lượng; khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc xây dựng đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo phân công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.