(HNM) - Là dự án đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên được thực hiện ở nước ta và đã hoàn thành phần lớn khối lượng thi công, nhưng hiện nay đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do… thiếu vốn.
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 56km, khởi công từ đầu năm 2006. Tổng mức đầu tư ban đầu dự án là 5.422 tỷ đồng, chủ yếu sử dụng vốn phát hành trái phiếu công trình có sự bảo lãnh của Chính phủ. Đây là dự án đầu tiên của VEC nhưng bị chậm tiến độ vì nhiều lý do, trong đó đáng kể là vướng mắc trong GPMB. Chậm tiến độ cùng với biến động giá và nhiều vấn đề phát sinh nên đến năm 2010, tổng mức đầu tư đã phải điều chỉnh lên 8.974 tỷ đồng, vẫn dựa vào phát hành trái phiếu công trình. Tuy nhiên, Cầu Giẽ - Ninh Bình gặp nhiều khó khăn như bao dự án giao thông khác bởi nguồn vốn năm nay dự báo sẽ rất khó khăn. Theo kế hoạch, đến hết quý II-2011 dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng với khó khăn hiện tại, mục tiêu đề ra không dễ thực hiện.
Theo VEC, đến nay việc GPMB gần như đã hoàn thành, trừ một vài vị trí ở Nam Định và các nhà thầu đã thực hiện được hơn 75% khối lượng công việc. VEC đang tích cực chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối tháng 6-2011. Do thiếu vốn nên VEC đã phải sử dụng khoảng 1.000 tỷ đồng từ các nguồn khác để chi trả cho nhà thầu. Để bảo đảm tiến độ, rất cần tổ chức phát hành trái phiếu công trình để đáp ứng nhu cầu trong những tháng nước rút. Tuy nhiên, cuối tháng 12-2010, Bộ Tài chính đã có văn bản 17387/BTC-TCNH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng cấp bảo lãnh cho VEC phát hành trái phiếu với lý do chính là hệ số nợ trên vốn điều lệ của VEC quá cao (lên đến 8,4 lần). Vì thế, không chỉ VEC mà nhiều nhà thầu đang hết sức lo lắng.
Từ khi khởi công công trình đến nay, VEC mới được bảo lãnh phát hành trái phiếu được 2 đợt, với tổng số tiền là 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó lãi suất huy động tăng cao, buộc phải sử dụng vốn ứng từ nguồn ngân sách. Nhưng từ nay đến hết tháng 6-2011 khả năng có vốn ngân sách phục vụ dự án này là rất khó khăn. Theo VEC, những lần đệ trình đơn phát hành trái phiếu đều kèm theo phương án phát hành tổng thể của cả dự án và của từng lần phát hành, trong đó có cả cơ cấu, khối lượng, thời hạn phát hành, lãi suất dự kiến cũng như khả năng hoàn trả. Việc ngừng bảo lãnh phát hành trái phiếu sẽ tác động tiêu cực đến dự án và gây khó khăn lớn cho VEC và nhà thầu. Rất nhiều nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc cao nhưng chưa được thanh toán đầy đủ dù hồ sơ, thủ tục hoàn chỉnh. Ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 cho biết, gói thầu của đơn vị đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn thảm lớp mặt, nhưng đành "kéo dài thời gian" vì không thể vay vốn ngân hàng với mức lãi suất cao để tạm ứng mà chưa được thanh toán các khoản đã thi công.
Trước khó khăn đó, đầu tháng 1-2011, Bộ GTVT đã có văn bản số 31/BGTVT-TC gửi Chính phủ đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho VEC và kiến nghị tiếp tục bảo lãnh phát hành trái phiếu cho dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo Bộ GTVT, việc tạm dừng cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao cho VEC tự tìm các nguồn vốn khác mà không có giải pháp phù hợp thì khả năng phải dừng dự án là khá rõ. Hơn nữa, trong điều kiện hiện tại, khả năng VEC tự huy động số vốn lớn cho dự án sẽ rất khó khăn nếu không được Chính phủ bảo lãnh. Thiếu vốn, dự án sẽ dở dang, tổng vốn đầu tư lại tăng là điều khó tránh. Dự án chậm đưa vào sử dụng cũng đồng nghĩa với việc VEC sẽ không có nguồn thu để trả nợ cho số vốn đã vay và vốn trái phiếu đã phát hành.
Theo Bộ GTVT, khi VEC được thành lập và xây dựng phương án đầu tư cho dự án đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ đều được xem xét, căn cứ theo các quy chế trước đây (chưa có các quy định về hệ số nợ, Luật Quản lý nợ công) và một số cơ chế thí điểm tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 10-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, nếu áp dụng ngay quy định mới về quản lý nợ công với hệ số nợ của VEC mà không có giải pháp tháo gỡ phù hợp sẽ gặp nhiều khó khăn, bế tắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.