Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ vốn đến bao giờ?

Tống Thanh - Ngọc Hải| 02/12/2014 05:53

(HNM) - Cách đây hơn 4 năm, gần 300 hộ dân ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ vui mừng khi biết tin cây cầu Yên Trình sẽ được Nhà nước đầu tư 40 tỷ đồng để xây dựng lại, nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh.


Ngay khi dự án được phê duyệt, những hộ dân nơi đây đã tạo mọi điều kiện, thậm chí "tạm ứng" mặt bằng để đơn vị thi công triển khai dự án. Cầu cũ được dỡ bỏ, cầu mới được xây ngay tức thì. Tuy nhiên, như Báo Hànộimới số ra ngày 22-11-2014 đã thông tin, thời điểm cây cầu mới đã lên hình hài cũng là lúc dự án bị tạm ngưng. Đã gần một năm nay, cây cầu trị giá hàng chục tỷ đồng này bị "đắp chiếu", trong khi cầu tạm vẫn phải oằn lưng "cõng" hàng nghìn lượt người và phương tiện qua lại mỗi ngày…

Cầu mới xây dựng dở dang, nên cầu tạm vẫn phải “cõng” hàng nghìn lượt người và phương tiện mỗi ngày.


Ước mơ cây cầu tiền tỷ

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ, cầu Yên Trình cũ bắc qua nhánh sông Bùi thuộc địa phận xã Hoàng Văn Thụ. Cây cầu này được xây dựng từ năm 1990, đã bị nứt, các mố cầu bị lún, cốt sắt hoen gỉ, lan can cầu bị gãy nhiều lần… gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để bảo đảm an toàn và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, năm 2011, huyện Chương Mỹ đã có văn bản đề xuất với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) cho xây dựng lại cầu Yên Trình. Ngay khi được UBND thành phố chấp thuận, ngày 26-10-2011, Sở GTVT đã có Quyết định 1195/QĐ-GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Yên Trình tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). Chủ đầu tư dự án là Sở GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án giao thông 2. Theo thiết kế, cầu mới có mặt cắt ngang 10m, phần xe chạy 9m, lan can bờ chắn bánh xe 1m. Cầu có 3 nhịp với tổng chiều dài 52,25m, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 39,719 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 12 tháng.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Trương Văn Cừ, cho biết, khi có quyết định phê duyệt dự án xây dựng cầu Yên Trình, người dân và chính quyền địa phương mừng lắm. Để có mặt bằng thi công, chính quyền đã vận động người dân sống tại khu vực hai bên đầu cầu "tạm ứng" mặt bằng. Dù chưa nhận một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ nào nhưng vì lợi ích chung, các hộ dân đều tự nguyện bàn giao. Đến tháng 6-2013, cầu Yên Trình chính thức được khởi công, Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Mai là đơn vị trúng thầu, thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2014. Ông Trương Văn Cừ thở dài: "Cứ ngỡ mọi việc suôn sẻ, ai ngờ khi cây cầu đã thi công được 80% hạng mục thì bị dừng. Cầu mới "đắp chiếu" cả năm nay, cầu tạm ọp ẹp, dân tình bức xúc "đổ" hết lên đầu lãnh đạo xã. Có người còn ác khẩu cho rằng chúng tôi thông đồng với nhà thầu, lấy tiền dự án chi tiêu dẫn đến dự án dở dang. Thực chất, cây cầu đã cơ bản hoàn thành nhưng vì chưa có vốn, chưa thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB nên mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ".

Do đầu tư dàn trải?

Để chứng minh, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ đưa nhóm phóng viên Hànộimới ra quan sát hiện trường. Chúng tôi nhận thấy cây cầu mới đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ như: Lắp đặt hộp kỹ thuật, trải nhựa và dựng lan can là có thể đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vì thiếu những hạng mục trên nên cầu không thể thông. Trải qua mưa nắng, các hộp dầm sắt đã bắt đầu hoen gỉ, xuống cấp. Có thể thấy, việc thi công dở dang không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ông Cao Văn Tập, Trưởng thôn Yên Trình (xã Hoàng Văn Thụ) bức xúc cho biết, mùa mưa vừa qua, nhiều lần nước dâng cao hơn 1m so với mặt cầu tạm khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Điển hình nhất là vào tháng 7-2014, nước dâng cao chia cắt hai xã Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến. Để qua được nhánh sông này, người lớn trẻ em phải dùng thuyền. Trên địa bàn xã có tới 3 trường học, ngày nào hàng trăm học sinh cũng phải qua khúc sông này, rất nguy hiểm. Đã rất nhiều lần, người dân thôn Yên Trình có ý kiến, UBND xã cũng đã có kiến nghị lên chủ đầu tư đề nghị cấp kinh phí và thực hiện đền bù cho người dân bị thu hồi đất nhưng cả năm nay không thấy hồi âm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ban quản lý dự án giao thông 2 đã có 2 lần bố trí vốn để xây dựng cây cầu Yên Trình với khoảng 16 tỷ đồng (trong đó 13 tỷ đồng dành cho xây lắp, 3 tỷ đồng tiền hỗ trợ bồi thường GPMB. Tuy nhiên, do UBND huyện Chương Mỹ chưa hoàn thiện hồ sơ kiểm đếm GPMB nên số tiền 3 tỷ đồng đã bị thu hồi, trả lại ngân sách. Đến năm 2014, dự án không được bố trí một đồng vốn nào nên nhà thầu phải tạm dừng thi công. Ông Nguyễn Duy Hoàn, nhà ở gần khu vực công trình thi công ấm ức nói với phóng viên: "Ngày ngày nhìn công trình tiền tỷ "đắp chiếu" các hộ dân bức xúc lắm. Vốn ở đâu để hoàn thiện chúng tôi không cần biết. Chỉ biết rằng ngày nào bà con cũng phải hít bụi đất từ những dầm cầu xây dựng dở dang kia. Một năm nay, gia đình tôi không có lối đi vì dầm cầu án ngữ trước cửa nhà".

Đi tìm câu trả lời về việc tạm dừng thi công cầu Yên Trình, chúng tôi trao đổi với ông Huỳnh Ngọc Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Mai. Ông Phương cho biết ông cũng chỉ là "nạn nhân" bởi thực chất Công ty Xây dựng Xuân Mai đã làm vượt khối lượng nhưng chưa được thanh toán. Ông Phương phân tích bất cập: "Theo quy trình, chủ đầu tư phải GPMB rồi mới tổ chức đấu thầu và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu. Thực tế, dù đã thi công hơn 80% khối lượng nhưng đến nay Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Mai vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng. Sở dĩ đơn vị thi công được hoàn toàn nhờ vào sự tự giác của người dân. Thậm chí, để đẩy nhanh tiến độ, công ty phải tạm ứng vốn GPMB cho các hộ dân. Đã nhiều lần, Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Mai có văn bản kiến nghị với nhà đầu tư về việc tiếp tục bố trí vốn để đơn vị hoàn thiện cầu nhưng đã một năm trôi qua, công ty không nhận được bất cứ hồi âm nào. Cầu mới chưa xong, cầu tạm của công ty vẫn phải đặt đó để người dân qua lại mỗi ngày…

Theo đại diện Ban quản lý dự án giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội) thì vốn thực hiện các dự án xây cầu năm 2014 rất khó khăn. Đây là thực trạng chung chứ không riêng gì dự án xây cầu Yên Trình của xã Hoàng Văn Thụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn 4 cây cầu nữa đang xây dựng nhưng phải tạm dừng vì thiếu vốn như: Cầu Ba Thá, cầu Hòa Chính, cầu Văn Phương, cầu Zét...

Từ thực tế hàng loạt cây cầu xây dựng dở dang, chúng tôi nhận thấy tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu dứt điểm, gây lãng phí đang xảy ra ở nhiều dự án. Đem so sánh, đã có người cho rằng, việc đầu tư thiếu dứt điểm cũng giống như việc may một bộ quần áo đắt tiền nhưng không đơm khuy thùa khuyết. Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để thực hiện hàng loạt dự án xây mới cầu nhưng dường như chưa dự án nào thực sự phát huy hiệu quả. Nói như người dân xã Hoàng Văn Thụ thì "cả huyện có đến gần chục cây cầu được xây mới nhưng người dân ngày ngày vẫn phải đi trên những cây cầu tạm sập sệ, cũ nát. Đã đành là chờ vốn, nhưng phải chờ đến bao giờ?!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ vốn đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.