(HNM) - Dù họp hằng ngày nhưng cứ 5 ngày Đồng Xuân lại có chợ phiên. Vào phiên chợ họp tràn ra ngoài, người bán hàng hầu hết từ ngoại thành vào bán các sản phẩm do họ chăn nuôi và trồng trọt.
Dù họp hằng ngày nhưng cứ 5 ngày Đồng Xuân lại có chợ phiên. Vào phiên chợ họp tràn ra ngoài, người bán hàng hầu hết từ ngoại thành vào bán các sản phẩm do họ chăn nuôi và trồng trọt. G.Dumoutier là thanh tra học chính Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX, ông là một trong số ít người Pháp đầu tiên nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, trong cuốn “Người Bắc kỳ”, về chợ phiên ở Hà Nội ông viết “cứ trong 100 người đi chợ, người ta đếm được 84 người là đàn bà con gái”.
Chợ Đồng Xuân được quy hoạch và xây dựng khang trang. Ảnh: Mạnh Hùng |
Cùng với chợ Đồng Xuân, nhiều chợ khác ở Hà Nội cũng được quy hoạch và xây cất khang trang. Có thể nói chính quyền đã có công biến các chợ truyền thống nhuôm nhoam thành chợ có quy củ, văn minh. Cũng chính vì thế lại sinh ra chợ Đuổi. Xẩm tối, Khán chợ ở các chợ lớn đuổi hết người bán hàng ra để khóa cổng nên họ tụ tập ở gần đó để bán cho dân lao động lúc ấy mới đi làm về tìm tới chợ Đuổi mua thức ăn. Ban đầu họp ở đầu chợ Đuổi (tức phố Tuệ Tĩnh ngày nay) sau do thành phố mở mang, chính quyền cấm rồi dồn về chỗ ngoại ô Vân Hồ. Năm 1951, người Hà Nội đi tản cư từ năm 1946 trở về nhiều hơn, lại thêm dân các tỉnh đổ về Hà Nội tránh chiến sự khiến thành phố đông đúc, các chợ đang có không đáp ứng được nhu cầu nên Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín đã quyết định mở thêm chợ ở vùng ven nội gồm: Ngã Tư Sở, Yên Phụ và Lò Lợn (khu vực Lương Yên ngày nay); đồng thời cho dân hồi cư có thể sinh sống ngay gần khu vực chợ, hạn chế dân số nội thành tăng lên đột ngột giảm khó khăn cho công tác quản lý.
Và thời bao cấp
Sau năm 1954, số chợ ở Hà Nội vẫn như trước khi thành phố giải phóng nhưng hàng hóa thì lèo tèo vì nguồn hàng nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Hương Cảng… hàng từ miền Nam ra không còn. Các chợ cũng vắng người mua hơn vì dân lao động các tỉnh hồi hương do được chia ruộng ở quê và chính sách quản lý nhân khẩu mới được áp dụng để giảm dân số ở Hà Nội. Nhà nước chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là quốc doanh và tập thể nên tháng 9-1958, Hà Nội bắt đầu thực hiện chính sách “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, doanh nghiệp tư nhân công tư hợp doanh, sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ vào hợp tác xã. Ở ngoại thành, nông dân cũng vào hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh, hoặc trồng lúa, trồng rau, nuôi cá, nuôi lợn, gia cầm… để cung cấp thực phẩm cho nội thành. Một hệ thống cửa hàng mậu dịch ra đời gồm bách hóa, thực phẩm, ăn uống… để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công nhân, viên chức và dần dần tiến tới bỏ hệ thống chợ truyền thống vốn là thành phần kinh tế tư nhân. Tóm lại Nhà nước chịu trách nhiệm lo lắng mọi mặt cho dân. Tuy nhiên sản phẩm do các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh sản xuất ra quá ít vì khan hiếm nguyên liệu nên không đủ cung cấp cho hệ thống cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Bách hóa Tràng Tiền được mệnh danh là “Pháo đài thương nghiệp XHCN” nhưng hàng hóa cũng không có nhiều và hầu hết bán theo chế độ phân phối, có rất ít mặt hàng bán tự do. Dù thực phẩm bán theo tem phiếu nhưng không phải lúc nào cũng đầy đủ vì thế chợ truyền thống vẫn tồn tại. Chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối và bán lẻ lớn nhất miền Bắc đã đi vào bài “Xẩm chợ Đồng Xuân”, mỗi câu hát kể tên một mặt hàng nay đìu hiu. Chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, Hàng Da… cũng trong tình cảnh tương tự.
Hàng hóa thiếu lại theo chế độ phân phối đã sinh ra chợ đen. Muốn mua thuốc Tây lên Ngõ Gạch, muốn mua thuốc lá lên phố Lương Ngọc Quyến, muốn mua quần áo may sẵn, xe đạp cũ thì ra chợ Hòa Bình, bao nhiêu cũng có miễn là có tiền. Thời kỳ bao cấp, Hà Nội sinh ra dạng chợ gọi là “chợ cóc”, nghĩa là chợ họp trên hè phố chủ yếu bán rau, quả, đuổi chỗ này họ lại chuyển sang chỗ khác.
Vì sao chợ truyền thống vẫn tồn tại
Chức năng quan trọng nhất của chợ ở Hà Nội nói riêng và các vùng miền khác nói chung là mua bán. Tuy nhiên không chỉ có vậy, mỗi phiên chợ ở Hà Nội xưa như ngày hội. Ra đồng có thể ăn mặc lôi thôi, váy áo vá víu nhưng đi chợ bao giờ cũng phải chọn bộ tươm nhất. Kẻ Láng trồng rau húng mang lên kinh kỳ bán còn phải “Nhờ người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”. Các bà mẹ đi chợ thường dẫn theo con gái, phần là để mua cho con xu quà vì hàng quà ở vùng ngoại thành không có, phần khác dẫn con gái đi chợ để con biết bán mua thế nào, mặc cả ra sao làm “vốn” khi lấy chồng đảm đương chức phận không bỡ ngỡ, nhà chồng không chê cười. Và trong lúc mẹ bán hàng con có thể xem hát xẩm, xem ông nặn tò he. Chợ Hàng Da cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn có các gánh xiếc thú của người Hà Lan biểu diễn. Kiếm sống ở chợ còn có các ông thầy bói, những người ăn xin “Đông Thành là mẹ là cha/Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”. Chợ Thăng Long - Hà Nội còn là nơi bán hàng ăn “Hàng bánh hàng bún bày ra/Củ từ, khoai sọ, cháo kê, thịt gà”. Tuy nhiên chợ xưa còn là nơi thu thập nhiều câu chuyện của thiên hạ, nói theo ngôn ngữ bao cấp là “thông tấn xã vỉa hè”. Trong lúc ế hàng, trong lúc mặc cả, người này kể cho người kia chuyện làng mình, người kia kể lại, biết bao nhiêu câu chuyện được kể trong một phiên chợ.
Bây giờ nhiều giá trị xưa của chợ không còn, siêu thị, các cửa hàng nhan nhản ở phố và cả trong ngõ, trong hẻm nhưng vì sao chợ truyền thống vẫn tồn tại? Nguyên nhân đầu tiên là dân số sống ở nông thôn vẫn chiếm tới 80% và diện tích canh tác của các hộ dân rất nhỏ, có nơi một gia đình chỉ có một sào ruộng vậy nên lượng rau, củ quả trồng ra không thể cung cấp cho các cửa hàng hay siêu thị, do vậy họ chỉ còn cách mang bán ở chợ. Chăn nuôi cũng manh mún, nhà nuôi chục con gà, bán cho người buôn thì rẻ, thế là cũng mang ra chợ. Ở nội thành có sự chênh lệch trong thu nhập, những người thu nhập cao, ít thời gian rảnh rỗi thì thích vào siêu thị, họ tin chất lượng hàng hóa ở đây và chỉ cần đẩy xe đi vòng quanh nhặt đồ rồi ra tính tiền là xong. Song ngược lại những người thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là dân nhập cư làm công việc lao động phổ thông khá đông lại chọn chợ truyền thống. Dù chưa có con số thống kê nhưng có thể tin rằng số người có thu nhập thấp đang sống và làm việc tại Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều tầng lớp trung lưu. Chợ truyền thống tan muộn mà giá lại rẻ (tiền thuê chỗ không nhiều), người mua có thể phóng xe máy vào tận nơi, không phải mất tiền gửi xe, tiết kiệm thời gian trong lúc cơ thể đang mệt mỏi sau một ngày làm việc. Đây là những nguyên nhân chính khiến chợ truyền thống tồn tại. Thực tế đã chứng minh nguyên nhân đó là đúng khi người ta phá bỏ chợ Cửa Nam, Hàng Da hay chợ Ô Chợ Dừa để xây trung tâm thương mại và dù bên trong vẫn duy trì chợ kiểu truyền thống nhưng khách lưa thưa. Ngoài ra một số mặt hàng siêu thị không có và chỉ chợ truyền thống mới đáp ứng được, ví dụ như mua một vài bìa đậu phụ với 1.000 đồng mắm tôm, 500 đồng hành lá, mớ tía tô, mớ cá đồng, nắm lá xông, đồ cúng lễ hay nhiều thứ lặt vặt khác.
Ai cũng biết chợ truyền thống còn nhiều bất cập như gian hàng bày biện lem nhem, thiếu thẩm mỹ, hàng lối xộc xệch, nguy cơ cháy cao rồi hàng giả hàng nhái chen vào, rau quả thực phẩm cũng không dám chắc có an toàn không. Bên cạnh đó những chợ họp trên một số tuyến phố, tự phát trong những con ngõ nhỏ đã gây ra ùn tắc giao thông làm thành phố nhem nhuốc, thiếu văn minh nhưng giải quyết không dễ vì những người bán hàng ở đây đại bộ phận là dân nghèo, xóa bỏ sẽ ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của họ. Có lẽ đành phải chờ đợi thu nhập của người dân tăng lên…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.