(HNMO) - Dễ đến hơn nửa thế kỷ nay người dân đất Hà thành đã quen với cái chợ trời đầy huyên náo, ngự quanh chùa Vua, như một sự níu kéo cuộc sống thoi thóp của thị trường tiểu thương manh mún bấy lâu nay.
(HNMO) - Dễ đến hơn nửa thế kỷ nay người dân đất Hà thành đã quen với cái chợ trời đầy huyên náo, ngự quanh chùa Vua, như một sự níu kéo cuộc sống thoi thóp của thị trường tiểu thương manh mún bấy lâu nay.
Chợ bán đồ cũ, hay trao đổi hàng hoá cũng là chuyện bình thường và rất tự nhiên của bất cứ quốc gia nào, nhưng sự tha hoá đến độ chợ trời trở thành nơi chuyên bán đồ giả và đồ gian lận thì chỉ ở ta mới có. Không hiểu chợ trời ở quận Hai Bà Trưng được gọi tên là chợ “Hoà Bình” từ hồi nào, nhưng sự thật hiện nay tình trạng buôn bán ở đây lại như một cuộc chiến, hỗn loạn và không thể kiểm soát.
Cuộc chiến giữa người mua và kẻ bán
Có thể nói cuộc chiến này hết sức lạ lùng giữa người bị mất cắp mà phải nịnh thối người bán để mua lại hàng chính của mình vừa bị chôm chỉa. Việc người bị mất gương ô tô, hay biển số xe máy, chỉ vừa tối hôm trước, thì ngay sáng hôm sau có thể chuộc lại tức thời với giá cao, tại một cửa hàng buôn bán vặt ở chợ trời đã trở thành chuyện thường tình. Nói đây là chuyện xảy ra như cơm bữa trong suốt mấy chục năm nay quả chẳng sai. Người mua trong lòng đầy căm phẫn vì chuyện gian manh này nhưng không dám nổi cơn cáu kỉnh hoặc tỏ thái độ bất nhã. Người bán thì hớn hở không hề biết sợ hãi vì hành động tiếp tay cho kẻ cắp, mà còn cam kết với người mua hãy yên tâm sẽ lấy lại đúng hàng bị mất, một trăm phần trăm, nếu không đúng thì sẽ đền lại tiền. Và thật buồn cười người mua tự nhiên thấy rất hài lòng, trả giá, thậm chí không dám mặc cả, vì chỉ sợ mua lại không đúng biển số xe, hay gương ô tô của mình. Mọi chuyện trở nên xuôn sẻ, chỉ độ mươi phút, người mua mừng rú lên như bắt được của vậy. Sau đó mọi sự căm giận lại trút lên trời vì chẳng biết làm thế nào nữa, đành chịu mất tiền toi, nhìn kẻ buôn bán với con mắt mang hình viên đạn, nhưng miệng lại nở nụ cười thân thiện; tay thì trả tiền, miệng thì ắt là phải cảm ơn, rất lịch sự theo kiểu người Tràng An ngàn năm.
Có người bộc bạch, cực chẳng đã, đành phải ra chợ trời để mua cặp gương xe ô tô của mình, vì nếu giận kẻ cắp không thèm ra mua, thì cứ việc đến hãng mà chờ và lại phải mua đắt như cắt cổ ấy chứ. Anh Nguyễn Toàn, người sở hữu chiếc BMW, Mecerdes công nhận đồ phụ tùng cực kỳ đắt, giá gương các loại xe này tương đương trên dưới 70 triệu đồng. Xót lắm. Đành ra chợ trời. Tuy phải cắn răng mua lại với giá 10 triệu đồng, nhưng vẫn còn thấy may, vì nếu không sẽ phải xếp xó xe một thời gian dài dài vì biết bao giờ mới mua được cặp gương chính hãng . Không lẽ phải đi xe mù mắt.
Chẳng cứ mặt hàng xe cộ, toàn những đồ gian, mà khách hàng còn bị mua phải đồ đểu, bất kỳ hàng cũ hay mới. Người sành và rất quen với chợ trời như anh Phạm Quang Huy, nhân viên của một công ty chuyên sản xuất đồ chơi, cũng đã bị dính đòn khi hí hửng khoe mua được một ổ USB 8G với giá 500.000đ ở một cửa hàng điện tử quen thuộc, bởi lẽ ở đại lý chính hãng bán USB này với giá những 2.000.000 đồng. Khi về thử mới biết rằng, “tội phạm 8G” kia chỉ có dung lương chứa khoảng 250MB, tất nhiên hàng không hề có bảo hành và thật khó trả lại vì quá tin nên không kiểm tra ngay tại chỗ. Nuốt cục hận, anh Huy ngửa cổ kêu - Ối chợ trời!
Tất nhiên không thể cả gần ngàn hộ kinh doanh đều bán hàng rởm, nhưng quả chợ trời tràn lan hàng lậu, hàng gian, hàng nhái, thuộc nhiều chủng loại. Chúng được bán với giá, vừa đủ đề khách hàng nuốt hận, sau khi ngộ ra rằng, mình đã bị hố. Đó là một cuộc chiến tranh lạnh và câm lặng giữa kẻ mua người bán. Ở đay chẳng có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cả người mua và người bán đầu thì thụt, bí mật như đánh bạc giả. Đúng thế!
Cuộc chiến giữa cơ quan chức năng với người bán và kẻ trộm hàng
Có rất nhiều cuộc săn lùng và kiểm tra bất thường của các cơ quan chức năng đối với những hộ kinh doanh hàng phi pháp. Nhưng quả thật mọi cuộc vật lộn ấy, cuối cùng nhiều kẻ gian vẫn thoát thân như có phép thuật vậy.
Hồi đầu năm nay, công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã tóm được một ổ nhóm chuyện trộm cắp phụ tùng xe tại các khu đô thị Linh Đàm và Mỹ Đình, để bán ở chợ trời. Ổ nhóm này do Nguyễn Đình Hiệp, 26 tuổi, ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng cấm đầu. Hiệp khai, hắn có thể lấy cắp một chiếc gương ô tô trong vài giây, nhưng đã bị công an phường Hoàng Liệt phục kích bắt quả tang, khi bẻ trộm 2 chiếc gương chiếu hậu của xe Toyota Camry, BKS 30S-6315, đang đỗ tại sân khu X2, Linh Đàm. Đây là một trong những sự phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn những kể tạo nguồn hàng gian lận, nhưng quả thật khó xuể, vì sự đãng trí hay thiếu cảnh giác của người có của đã tạo điều kiện cho những kẻ trộm cắp hoành hành ở nhiều nơi. Mà hiện nay chợ trời chính là nơi chứa chấp và buôn bán chủ yếu những mặt hàng gian lận này. Cùng với đó, các cơ quan chức năng như thuế vụ, công an và người quản lý chợ đã phải mất rất nhiều công sức để sắp xếp lại trật tự buồn bán ở chợ trờì, nhưng không hề dễ dàng.
Hiện nay có khoảng 700 hộ kinh doanh trên các tuyến phố Trần Cao Vân, Yên Bái, Chùa Vua, Phố Huế, Nguyễn Công Trứ...Sau nhiều cuộc điều tra mới hay mọi chuyện khó kiểm soát. Ví dụ trong số 56 hộ kinh doanh phụ tùng ô tô, thì chỉ có 35 hộ có phép. Đặc biệt cách đây ít lâu, công an phường phố Huế đã kiểm tra một số hộ kinh doanh trái phép, và tịch thu hàng mới thấy ghê tay, có tới hàng nghìn chiếc gương, đèn, nẹp, logo…Trong đó có nhiều hàng độc của các loại xe như Lexus, Mercedes, BMW…trị giá hàng tỉ đồng. Sau đó, công an phường Phố Huế còn bắt tạm giữ Nguyễn Thị Thuý, 42 tuổi, ở xóm Chùa Vua, Đồng Nhân, Hà Nội đã mua một số phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc, và đã lập biên bản, tạm giữ 8 ốp lốp xe Nisan, 10 nẹp sườn ô tô. Cùng lúc, công an còn kiểm tra cửa hàng gian lận của Xiêm, đồng bọn với Thuý và bắt giữ hai hòm sắt và một bao tải lớn phụ tùng ô tô các loại. Đây chỉ là một trường hợp điển hình mà công an và các cơ quan chức năng làm bất thường. Nhưng thực ra, việc kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh trái phép, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, đa số là của gian, nhiều năm nay không thể dứt điểm vì nhiều nguyên nhân, nên tình trạng này vấn tồn tại công khai, như một làn sóng không thể cứu vãn. Đây quả là một bài toán rất khó có đáp án, nếu vẫn còn tồn tại môi trường tiêu thụ hàng bẩn này. Đây là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa kẻ buôn bán gian lận với các nhà chức trách. Nhưng sự sát sao của cán bộ quản lý chợ thật sự có vấn đề vì giữa giới hạn của quyền lực và khả năng xử lý đã tạo điều kiện cho sự lộng hành của thị trường đen. Công an chỉ vào cuộc khi có sự cố xảy ra hoặc có thông tin chính xác cấp báo, nên làn sóng ngầm trôi nổi hàng gian lận, hàng giả, hàng trốn thuế ngay trước mắt mà không thể ngăn chặn được. Vậy cuộc chiến đầy cam go này do đâu, nguyên nhân nào vậy?
Cuộc chiến do cách quản lý gây ra!?
Nói vậy liệu có đúng? Khi mọi chuyện ở chợ đen cứ diễn ra rất mạnh mẽ không có cách cứu vãn. Để có hướng ngăn chặn, trung tá Bùi Quang Minh, đội trưởng đội CSĐT tội phạm về TTXH, công an quận Hai Bà Trưng đã từng gợi ý:
- Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết, không được mua bán hàng hoá không rõ nguồn gốc. Khi mua hàng phải ghi lại tên tuổi. CMND của người bán hàng, để tiện việc xác minh…
Quả đây là một yêu cầu phi thực tế, bởi chợ trời về bản chất là mua bán hàng cũ, hàng thải loại, nên thường ít có giá trị lớn. Không một chợ trời nào trên thế giới đòi hỏi phải xác định nguồn gốc. Mà khi nhà kinh doanh đã cố tình mua bán hàng gian lận, với lợi nhuận cao, thì chẳng bao giờ có thể mua nổi hàng với giả rẻ, khi đòi hỏi CMND của kẻ gian. Do vậy chuyện để tiện xác minh ấy không thể thực hiện được, bởi đúng như chính anh Minh đã phải công nhận rằng, việc mua bán giữa chủ hàng và các đối tượng trộm cắp rất tinh vi, thường trao đổi qua điện thoại, hẹn địa điểm để thoả thuận giá cả, sau đó mới giao hàng ở địa điểm khác. Có mà trời theo dõi dược nguồn gốc hàng từ đâu.
Nhưng dù sao cũng có ý kiến khá xác đáng, đề cập tới vai trò của Ban quản lý chợ, khi họ để chợ trời là nơi tiêu thụ đồ trộm cắp. Trên thực tế, không phải bất cứ nhân viên nào trong BQL chợ nhận biết đầy đủ trách nhiệm của mình. Có một đội trưởng đội QLTT khẳng định, họ chỉ quản lý các mặt hàng vi phạm bản quyền, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, còn hàng ăn cắp là trách nhiệm của bên CA. Điều này thể hiện rõ phần nào nhận thức và tự công khai việc quản lý yếu kém và vô trách nhiệm của mình. Hơn nữa, trong một thời gian khá dài, việc cho chợ trời là chợ tạm, nên không đánh số trong hợp đồng kinh doanh, hoặc không đánh số sạp là một khe hở cho nhiều cuộc đảo lộn chủ kinh doanh, hết sức khó theo dõi và kiểm tra. Có những đối tượng trộm cắp khi bị bắt đã khai chúng bán tại chợ trời, nhưng vì chợ không đánh số sạp hàng, nên đối tượng không nhớ cụ thể điểm tiêu thụ, do vậy cơ quan công an rất khó xử lý đối tượng đã tiếp tay cho bọn trộm cắp. Hoặc có chủ sạp hàng kinh doanh CD, DVD lậu, bị thu giấy phép kinh doanh, thì ngay ngày hôm sau, họ lại đứng tên người khác để làm giấy phép kinh doanh mới. Sao lại dễ thế vậy? Công An phường phố Huế không ít lần đề nghị BQL chợ đánh số cho các sạp hàng, nhưng xem ra rất khó phối hợp trong một thời gian dài. Cho đến nay, mọi chuyện đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế trong một bộ phận không nhỏ, nằm trong 700 hộ kinh doanh tại chợ trời.
Cuộc chiến dẹp chợ trời?
Có nên dẹp chợ trời không? Đó là điều trăn trở bấy lâu nay của các nhà chức trách. Và dường như, chợ trời có mốt sứ mệnh thật kỳ lạ, đã bao lần tưởng đã tan, đã dịch chuyển, vậy mà nó vẫn tồn tại và ngày một phát triển.
Ngẫm kỹ mới thấy, hình loại chợ đồ cũ này, kèm với những loại mặt hàng gia công, mang dấu ấn làng nghề cơ khí, đúc kim loại, không thể thiếu trong một thị trường hàng hoá còn đậm dấu ấn nông nghiệp và đang chuyển hoá tích cực ở nước ta. Tất nhiên mạch ngầm trao đổi mua bán hàng lậu và hàng gian hiện nay có phần gia tăng, nhưng không làm tan vỡ được khối lượng hàng kinh doanh sạch rất lớn đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhà nước. Nếu có một ban quản lý chợ tốt, với cách điều hành đúng pháp luật, ắt dần dần gỡ được những diều phức tạp trong kinh doanh chợ đen ngấm ngầm đang diễn ra hiện nay.
Nhiều nước rất coi trọng giá trị kinh tế và văn hoá của chợ trời, mặc dù đã có một trình độ khoa học và đời sống cao như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Trung Quốc, Hồng Công, Thái Lan…Do vậy, một chợ trời đã được giữ gìn và phát triển tới hơn nửa thế kỷ như ở nước ta, nếu dẹp đi quả là không nên. Hơn nữa khi được thành phố đầu tư về quy mô và nâng cấp quản lý, chợ trời trở thành một trung tâm thương mại và sẽ được coi như một diểm du lịch mang tính kinh tế, văn hoá, với đặc thù dị biệt của nó, đối với bất kỳ du khách nào khi đến nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.