Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho trẻ thơ một Tổ quốc trọn vẹn và hòa bình

Thủy Tiên| 01/06/2014 05:58

(HNM) - "Trẻ con được quyền sống trong hòa bình", "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", "Tôn trọng quyền trẻ em"… những khẩu hiệu xuất hiện tại nhiều quốc gia, trong các diễn đàn quốc tế về trẻ em, trên các ấn phẩm xuất bản khắp thế giới. Mong muốn là vậy nhưng món quà ấy luôn bị đe dọa bởi những thế lực phi hòa bình.

Ngược dòng lịch sử, những đứa trẻ Việt Nam mới sinh ra còn nằm trong nôi chỉ được nghe tiếng ru của mẹ vì cha đi đánh giặc. Lớn lên, trong những khúc hát đồng dao cũng chen vào nhiều câu liên quan đến giặc giã. Còn trò chơi đầu đời thì là đánh trận giả, tức là học đánh giặc. Câu chuyện văng vẳng bên tai do bà, do mẹ kể truyền từ đời này sang đời khác là bà Trưng, bà Triệu cưỡi voi ra trận, là Trần Quốc Toản tay bóp nát quả cam, là vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, vua Quang Trung đánh giặc Thanh… Trong kho tàng cổ tích Việt Nam, ngoài những câu chuyện răn dạy đạo làm người, rất nhiều chuyện liên quan đến đánh giặc giữ nước như Thánh Gióng cưỡi ngựa nhổ tre bên đường đánh giặc Ân. Trong suốt thế kỷ XX, cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên chiến đấu để thoát khỏi ách nô lệ. Đất nước thống nhất, người dân Việt Nam vẫn phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm sau 1954, trẻ con đi học mẫu giáo đã hát những bài hát về sự toàn vẹn lãnh thổ "… Chúng em vây quanh cô trong giờ chơi/Một đôi mắt xinh nhìn lên bản đồ Việt Nam/Lắng tai em nghe lời nói bao dịu hiền/Đây miền Nam đồng ruộng mênh mông…". Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng khi mới biết chữ và biết làm thơ thì những vần thơ đầu tiên của đứa bé đang tuổi nhi đồng đã là đánh giặc "… Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà/Những năm khẩu súng theo người đi xa…". Bài thơ được phổ nhạc và cho đến hôm nay lời thơ thành ca từ của bài hát vẫn làm cho tất cả những người yêu hòa bình không thể không day dứt.

Rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam khát khao được sáng tác cho con trẻ những khúc hát dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với lứa tuổi các em, chẳng ai muốn gieo vào đầu con trẻ bom đạn, chiến tranh nhưng suy cho cùng, người Việt Nam buộc phải "xa nhà đi giữ nước" cũng vì mong muốn có được hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc. "Mai đây chiến thắng bố về/Sẽ nghe mẹ kể chuyện con/Rằng con bé lon ton/Con đi đưa cơm cho mẹ vui đi cầy…". Chiến tranh chống Mỹ, trẻ con thành phố phải theo người lớn đi sơ tán về các vùng quê, đồ chơi mà các bé gái mang theo con búp bê bằng bông, chúng hồn nhiên ru búp bê mà có biết đâu rằng cũng chính là ru mình "Bao giờ chiến thắng đưa bé về phố đông" nghe sao mà thương. Trong chương trình "Giai điệu tự hào" đêm 31-5 với chủ đề "Bé bé bằng bông", người xem nhiều thế hệ xúc động vì đằng đẵng bao năm trẻ thơ Việt Nam khi mới bi bô biết hát đã phải hát những câu liên quan đến chiến tranh mà nhẽ ra phải là những khúc hát ngợi ca quê hương, ngợi ca hòa bình như trẻ thơ trên thế giới.

Trong những ngày này, Trung Quốc đang ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta với mưu đồ thôn tính vùng biển Việt Nam. Các em còn nhỏ, chưa biết và chưa thể hiểu những gì đang diễn ra nhưng người lớn chắc chắn phải làm tất cả để hôm nay và mai sau các em có một Tổ quốc trọn vẹn, để các em được sống trong hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho trẻ thơ một Tổ quốc trọn vẹn và hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.