Cuối tuần, chị Tâm ở Hoàn Kiếm cùng bạn từ Lào Cai xuống chơi rủ nhau cho trẻ con sang Bát Tràng
Cách cổng chính chợ Bát Tràng gần chục mét, sân chơi gốm Bạch Long (xóm 3, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) rộng khoảng 50m2, phía ngoài bày khoảng 10 bàn xoay để khách nặn gốm, tạo dáng sản phẩm; phía trong kê hai dãy bàn để cho khách hàng thỏa sức sáng tạo, tô tượng hoặc vẽ vào các sản phẩm vừa nung xong. Sẽ là hoàn hảo nếu trẻ được trải nghiệm thử làm thợ gốm trong hơn một giờ đồng hồ với giá đúng như đã quảng cáo ban đầu. Thế nhưng, khi các bé chơi xong, hai chị giật bắn mình khi số tiền dự tính ban đầu phải trả khoảng 200.000 đồng (8 đứa trẻ x 10.000 đồng/trẻ = 80.000 đồng, cộng với 3 đứa lớn hơn lấy đồ chúng tự nặn khoảng 100.000 đồng), đã lên tới trên 600.000 đồng. Sau một hồi chủ khách cãi nhau kịch liệt, số tiền được giảm xuống còn 500.000 đồng. Theo đó, tất cả những tượng lớn bé (cả tượng mới và tượng đã tô rồi) mà lũ trẻ lôi ra nghịch bị tính giá "cắt cổ" từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/tượng.
Không quá khi nói đây là kiểu làm ăn chộp giật, nếu đàng hoàng, chủ hàng nên treo bảng giá ngay ở cửa vào để khách hàng biết dịch vụ mình sử dụng thế nào, thay vì cho "thượng đế" vào tròng để sau đó "cắt cổ". Thiết nghĩ, ở một điểm du lịch làng nghề có rất đông du khách ghé thăm mỗi ngày như Bát Tràng, dịch vụ tốt và minh bạch chính là cách tốt nhất để giữ chân khách hàng, chứ như kiểu làm ăn chộp giật như trên, chắc chắn sẽ chẳng "thượng đế" nào muốn quay lại đây thêm lần nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.