(HNM) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của thị trường lao động, một số doanh nghiệp đã tìm cho mình một hướng giải quyết bài toán nhân sự mới: thuê lại nhân sự của các đơn vị cung ứng nhân sự. Có thể xem đây là cách làm khôn ngoan.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thu, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong các văn bản pháp luật lao động, các quan điểm vẫn chưa đồng nhất về việc cho phép các doanh nghiệp thuê lại lao động hay không. Điều này thể hiện ở hai quan điểm dường như trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định về hoạt động dịch vụ việc làm tại Điều 18 Bộ luật Lao động không bao gồm hoạt động cho thuê lại lao động. Những người theo quan điểm này cho rằng theo quy định về giao kết hợp đồng lao động tại Điều 30 Bộ luật Lao động, Việt Nam không chấp nhận hoạt động cho thuê lại lao động.
Một quan điểm khác khi vận dụng luật lại cho rằng, quy định về hoạt động dịch vụ việc làm tại Điều 18 Bộ luật Lao động Việt Nam bao gồm cả hoạt động cho thuê lại lao động. Đó chính là hoạt động cung ứng lao động mà hiện nay nhiều doanh nghiệp dịch vụ việc làm vẫn đang thực hiện. Thậm chí, trong Bộ luật Lao động cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật không có quy định nào cấm hoạt động cho thuê lại lao động. Đặc biệt, trong việc đăng ký kinh doanh, ở một số địa phương, hoạt động này đã được chấp nhận trong "ngành nghề kinh doanh" khi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị sử dụng lực lượng lao động lớn như Canon Việt Nam đã buộc phải tìm đến giải pháp này như một sự tất yếu. Thậm chí, đối với lực lượng giúp việc gia đình, nhiều trung tâm đã mạnh dạn tuyển dụng, đào tạo và ký hợp đồng lao động với học viên để cung ứng lại cho các gia đình có nhu cầu. Bởi trên thực tế, với một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay hộ gia đình, họ có quá nhiều việc phải làm, vì vậy không thể dành nhiều thời gian cho việc tuyển dụng. Hơn nữa, hiện nay, việc tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp lựa chọn phương án thuê lại lao động như một sự tất yếu. Điều đó giúp họ tiết kiệm được cả thời gian, tiền bạc, lại chủ động hơn về nguồn nhân sự.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm đặt một bài toán: Trong thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài, mỗi đợt tuyển dụng, doanh nghiệp thường mất chừng 1-3 tháng để tuyển đủ cho nhu cầu. Điều đó cũng có nghĩa là, doanh nghiệp sẽ mất chừng ấy thời gian hoạt động thiếu công suất, đó còn chưa kể có thể bị thua thiệt do lỡ những đơn hàng lớn. Nếu thông qua các đơn vị dịch vụ việc làm hoặc thuê lại lao động, số tiền họ có được qua việc đẩy mạnh sản xuất sẽ lớn hơn rất nhiều số tiền phải chi cho hoạt động thuê lại lao động. Nhiều người cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau hoặc thông qua các đơn vị tuyển dụng để tạo quỹ hỗ trợ tuyển dụng. Nguồn quỹ này sẽ hỗ trợ cho một đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị đóng góp quỹ.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thu hoạt động cho thuê lại lao động nên được cho phép như một loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động thì mới được tiến hành hoạt động này. Điều quan trọng là cần phải có danh mục các loại công việc được phép cho thuê lại lao động và việc cho thuê lại lao động và chỉ được thực hiện với sự đồng ý của chính người lao động. TS. Nguyễn Xuân Thu cho rằng, nếu chấp nhận, quản lý tốt hoạt động cho thuê lại lao động sẽ đáp ứng được nguyện vọng và mang lại lợi ích kinh tế cho cả ba bên là doanh nghiệp cho thuê, doanh nghiệp thuê lại lao động và bản thân người lao động. Đây được xem là hướng hoạt động thức thời, phù hợp với sự vận động tất yếu của thị trường lao động. Đặc biệt, với những công việc có tính chất thời vụ hoặc có tính chất tương tự thì các doanh nghiệp thuê lại lao động sẽ không bị rơi vào tình trạng "thừa người, thiếu việc" mà vẫn phải trả lương cho người lao động.
Rõ ràng, hoạt động cho thuê và thuê lại lao động đang đem lại lợi ích kinh tế cho 3 bên là doanh nghiệp cho thuê, doanh nghiệp thuê lại và bản thân người lao động. Nhưng nhìn tổng thể, đây là một xu hướng tất yếu của thị trường lao động và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.