(HNM) - Đêm Quảng Bình không ngủ. Những ánh mắt mệt mỏi đến thất thần, bóng cò trắng trên đồng Sơn Trạch, Liên Trạch như màu khăn tang chấp chới giữa đỏ quạch màu đất cứ hiện lên trước mặt tôi.
Ngày về Quảng Bình, tôi đã gọi điện cho bạn tôi, anh Đinh Xuân Bình, cũng quê ở vùng này, giờ đang công tác tại Công an Hà Nội, để nếu đi được, tôi muốn qua thăm các cụ thân sinh ra anh. Đất này ngày chiến tranh chống Mỹ tôi đã từng qua, từng là một phần kỷ niệm của đời tôi, nên tôi hiểu người Bố Trạch, người Quảng Bình trọng cái tình, cái nghĩa, trọng một lời hứa, lời sẻ chia trong hoạn nạn thế nào. Để rồi, cho đến sáng hôm sau lên đường về Quảng Trị, tôi cứ áy náy suốt, cứ dằn vặt suốt vì đã không kịp hỏi kỹ anh xem các cụ ở thôn nào, xã nào để dẫu gì cũng được một lời thăm gia đình. Ở đời, có những việc đã lỡ, nếu phải ân hận, phải suy nghĩ đôi khi cũng không bao giờ làm lại được nữa.
Quảng Trị đã đi từ đổ nát, đi từ mất mát đến tột cùng để được đi trong sẻ chia, trong day dứt của mỗi người dân nước Việt. Giờ đã xanh lại những vạt rừng lửa Napalm đốt xạm ngày nào. Trên những hố bom, hố pháo hôm qua, màu ngói đã tươi lên trong nắng.
Nhưng Quảng Trị, nhưng miền Trung cũng có năm nào tránh được bão dông, đỡ được lũ cuốn? Năm ngoái, cũng vào dịp này, tôi đã về Đakrông của Quảng Trị khi cơn bão số 9 mới tràn qua. Liệu những mầm cây vừa xanh lại, chưa kịp cứng cáp có còn nguyên sau cơn lũ dữ này?
Ngày lũ về đã có tới 52 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, TP của Quảng Trị ngập nước với 11.372 hộ, 51.494 nhân khẩu phải sống chung với lũ. Các huyện ở vùng thấp như Triệu Phong, Hải Lăng, vùng núi như Hướng Hóa, Đakrông đều ngập sâu, một số vùng còn bị cô lập cục bộ. 11.443 nhà bị ngập nước, tốc mái, xiêu đổ. Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại lên đến 2.150ha; 2.700 con gia súc, gia cầm đã chết chìm trong lũ. Nhưng đau xót hơn cả là trường hợp của gia đình ông bà Lê Văn Tám và Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Cơn lũ ác đổ về, nước đập xối xả đã đánh sập ngôi nhà, vùi kín cả hai ông bà.
Phó TBT Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim trao tiền ủng hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hoa ở phường An Đôn, thị xã Quảng Trị. |
Về Quảng Trị, cũng lại thêm một lần, thêm một câu chuyện về cái tình của những người làm báo Đảng dành cho nhau. Các anh Nguyễn Hà Phương, Tổng Biên tập; Minh Tứ, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị đã thay mặt chúng tôi có kế hoạch chu đáo với các cơ quan chức năng của tỉnh, lên phương án cụ thể hỗ trợ 400 triệu đồng của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới dành cho những xã, phường, gia đình của Quảng Trị bị thiệt hại do cơn lũ vừa qua.
Chúng tôi trao đổi với nhau dăm câu, chưa uống hết chén nước lại cùng anh em Báo Quảng Trị lên xe về ngay huyện Triệu Phong, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn lũ gây ra.
Ngày cơn lũ ập về Triệu Phong cũng là khi triều cường đang cao, nên chuyện ngập nhà, trắng đồng vài ngày làm sao tránh nổi. Cả Triệu Phong đã có tới 5.022 hộ bị ngập, trong đó 2.100 hộ bị ngập sâu cả thước. 333ha rau, màu vụ đông chìm trong lũ. 120ha ao hồ nuôi trồng thủy sản tan trong biển nước, khiến hơn 30 tấn tôm, cá theo lũ mà đi. Hơn 100 con lợn, 5.247 con gia cầm chết trôi trong lũ. Gần 52 tấn lúa mới thu hoạch ngậm no nước, đang thi nhau mà nảy mầm. 96.992km đường giao thông trên toàn huyện hư hỏng, trong đó có 84.847km đường giao thông nông thôn đã sụt, sạt, giờ còn ngập bùn đất. Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, đê, đập ngăn mặn bị sạt lở hư hại nặng nề. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 54 tỷ 918 triệu đồng.
Anh Nguyễn Xuân Lộc, nhà ở thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long có 2,5 sào ruộng vừa thu hoạch được mấy tạ thóc, nay ướt sạch, đang mọc mầm. Mấy chục con gia cầm trôi hết, giờ 5 miệng chạy ăn biết trông cậy vào ai khi mẹ già lại đâu có khỏe, hai cháu đang đi học sách vở cũng ướt gần hết?
Trao cho anh Nguyễn Xuân Lộc, anh Nguyễn Thanh Duê (nhà ở cùng thôn, lại có hoàn cảnh mất mát gần như nhau) những phần quà, tiền chia sẻ của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới, nhìn các anh tay run run, mắt thoáng ngỡ ngàng, tôi hiểu chút quà nhỏ này sẽ giúp gia đình các anh có thêm nhiều ngày ấm bụng.
Số tiền 200 triệu đồng dành tặng bà con Triệu Phong đã được trao cho chị Dương Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện để huyện trao cho từng gia đình bị thiệt hại do con lũ gây ra.
Chia tay anh Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim, đại diện Quỹ cứ áy náy vì chưa hỏi thêm được anh Linh, chị Yến chuyện gì về Triệu Phong, chưa về với Triệu Phong lần nào, lại gặp nhau trong hoàn cảnh không vui này.
Rời Triệu Phong, chúng tôi lên xe về ngay phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, nơi có tới 103 hộ bị ngập nặng, mà nơi cao nhất tới gần 2m. An Đôn mới được tách ra từ một thôn của xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong nên cơ sở vật chất còn nghèo, vậy mà chỉ với 1.700 nhân khẩu, chủ yếu vẫn làm nghề nông và buôn bán nhỏ, con số thiệt hại đã lên tới cả 1 tỷ đồng, đâu còn nhỏ.
Gặp ông Mai Thiên Hương, người khu phố 4 lên trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường nhận phao cứu hộ về phát cho bà con, tôi biết đất An Đôn này chắc chưa mưa đã úng rồi.
Chị Hoàng Thị Tân - Chủ tịch UBND phường, anh Hoàng Đức Ly - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã cùng các anh, chị đại diện một số ban, ngành đưa chúng tôi thăm và trao quà cho mấy gia đình trong diện các hộ bị thiệt hại nặng nề do con lũ ác.
Dòng Thạch Hãn ngày nào trong xanh, êm đềm thế giờ đục ngầu. Men theo con đường bên bờ bắc sông, bùn đất mới se mặt vẫn lút mắt cá chân. Nhìn mấy luống cà trong vườn nhà bà Phan Thị Yến, nửa thân dưới sát gốc tạo thành cả vệt dài xam xám, lại nhìn dãy cây ven bờ rào nơi ngấn nước chảy qua, tôi biết ngày lũ về lòng sông đã không còn đủ sức mà chứa nổi cả lượng nước khổng lồ đổ xuống, khiến dòng Thạch Hãn chẳng còn biết đâu là bờ, cứ cuốn phăng đi tất cả những gì vướng đường đi của nó.
Đứng bên căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Sửu, con gái bà Yến, tôi có cảm giác nó vừa giống một túp lều, lại vừa giống cái quán chợ, mà vách được dựng bằng mấy tấm tôn cắt từ thùng đựng nhựa đường đã thủng lỗ chỗ cùng mấy tấm ván, thanh tre cái ngắn cái dài. Chị đang phải nằm viện, suất quà của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới bà Yến nhận giùm. Lội trong căn nhà mà nền đất còn chưa phẳng, nhìn cái "cơ ngơi" của chị, tôi không biết chị Dậu ngày xưa liệu có khổ bằng? Tôi sờ túi, ví lại để ở túi quần áo vứt nơi phòng trọ, còn mấy trăm ngàn mang theo, tôi đưa tất cho bà Yến, ôm lấy vai bà mà không khóc nổi.
Men theo con đường lỗ chỗ những vết chân đã lội trong bùn mà đi, chúng tôi đến nhà Thả hoa, bên bờ Bắc dòng Thạch Hãn, xin được thắp cho vong linh các anh hùng, liệt sĩ, cùng những người con nước Việt đã nằm lại đất này một nén tâm nhang.
Nước đã rút dưới chân cầu ngôi nhà, nhưng bùn đất vẫn đọng lên mãi tận mấy bậc thềm gian chính, nơi để bình hương lớn. Ba cây cột đá dưới cây cầu, đường kính cỡ 40cm, bị lũ quật đổ, gãy làm mấy khúc, chồng chéo lên nhau, chắn hết lối đi bên trái hướng ra phía dòng sông.
Thẫn thờ nhìn dòng nước vẫn chưa hết rều rác, tôi hiểu hơn sức tàn phá ghê gớm của trận cuồng thủy này.
Ba chục suất quà dành tặng cho bà con thị xã Quảng Trị có thấm vào đâu so với mất mát chỉ của riêng nhà ông Nguyễn Văn Hoa và bà Hồ Thị Bê. Cô con gái của ông bà là Nguyễn Thị Sương Thu, thoát ly đi làm công nhân ở Đồng Nai, mới sinh cháu được mấy tháng, lương không đủ nuôi miệng, đành gửi con cho ông bà ngoại chăm giùm. Nhà có 2 sào chuối, 200 gốc mai, giờ coi như mất trắng.
Các anh Hoàng Văn Phong - Chủ tịch, Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cứ nắm mãi tay anh Nguyễn Hà Phương - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Kiều Ngọc Kim - Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới và mấy anh em trong đoàn, giọng như nghẹn lại: "Các anh, các chị là đoàn đầu tiên đến với bà con thị xã Quảng Trị sau cơn lũ đấy".
Tôi không dám nhìn vào mắt các anh, quay mặt ra phía dòng Thạch Hãn để bất chợt gặp một nhành hoa chắc ai vừa thả xuống cứ bồng bềnh, bồng bềnh một sắc đỏ tươi giữa vàng rực nắng trưa. Xin các mẹ, các anh hùng liệt sĩ, cùng những con dân nước Việt đã hòa cốt nhục trong sóng sông thao thiết, hãy chở những dòng nước màu mỡ phù sa, mát lành hương đất, tưới cho Quảng Trị xanh lại màu hy vọng.
Quảng Trị đêm 12-10-2010
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.