(HNM) - Thông tin xung quanh đề xuất mới đây của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), cho phép kháng nghị quá hạn khiến nhiều chuyên gia pháp luật
Những vụ án liên quan đến lĩnh vực đất đai thường có quan điểm giải quyết khác nhau. Ảnh: Bá Hoạt
Hiện nay, BLTTDS không quy định thời hạn cho đương sự gửi đơn khiếu nại mà chỉ quy định thời hạn cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự trong thời gian qua cho thấy: có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì tòa án, viện kiểm sát mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian để xem xét. Lại có đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị nhưng không được người có thẩm quyền xem xét kịp thời phát hiện các sai sót, khi phát hiện có sai lầm thì đã hết thời hạn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nhưng không có cơ chế để giải quyết.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất, trường hợp đương sự đã có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn luật định (một năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật), hết thời hạn kháng nghị (ba năm), nếu người có thẩm quyền kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định của tòa thì họ có quyền kháng nghị bất cứ lúc nào. Việc kháng nghị quá hạn đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được tiến hành khi có đầy đủ các điều kiện là: Đương sự tiếp tục có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm sau khi hết thời hạn kháng nghị; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 của BLTTDS, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm đó.
Tán thành với ý kiến trên, song luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội tỏ ra lo ngại, nếu áp dụng không khéo sẽ xảy ra tình trạng xử lý không triệt để. Theo luật sư Nguyễn Thành Nam, "trong quá trình xét xử vụ án liên quan đến lĩnh vực đất đai, hay xuất hiện quan điểm giải quyết khác nhau do có quá nhiều văn bản được áp dụng xung đột lẫn nhau. Đã có trường hợp bản án này tôi cho là sai lầm nghiêm trọng, người khác lại không cho là như vậy, nên vấn đề phải làm rõ hơn tiêu chí để có cơ sở kháng nghị".
Lo lắng vì "không quy định thời hạn thì bất cứ bản án, quyết định nào cũng có thể bị kháng nghị bất cứ lúc nào", Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ cho rằng, quy định "vô thời hạn" như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bên đương sự. Và giải pháp được ông Từ Văn Nhũ đưa ra là kéo dài thời hạn kháng nghị thêm một, hai hoặc ba năm nữa. Đề xuất này không hẳn không có lý, bởi ở lĩnh vực tố tụng hay bất kể chuyên ngành nào khác cũng phải có điểm dừng trong phương án giải quyết mới tránh xảy ra tình trạng kháng nghị tràn lan. Còn nếu không quy định thời hạn, tức là một bản án, quyết định có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm bất cứ lúc nào thì không một người dân, không một đương sự, tổ chức liên quan nào yên tâm ổn định làm ăn, sinh sống. Chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nếu để một cơ chế quá mở như thế thì e rằng đối tác nào tìm hiểu cũng thấy ngại, không dám vào nữa, bởi khi hậu quả xảy ra, những thứ mất đi không chỉ là tiền!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.