Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ nửa sau...

Hà Thành| 30/05/2010 06:46

(HNM) - Lẽ ra sau giai đoạn 1, V-League 2010 phải có chừng 2 tuần để các đội bóng chuẩn bị lại về chuyên môn và lực lượng cho giai đoạn gay cấn nhất. Nhưng để phục vụ các "thượng đế" xem World Cup mà thời gian quý báu này phải lùi lại sau khi kết thúc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. 2 vòng đấu 14 và 15 sẽ bắt đầu ngay khi giai đoạn 1 kết thúc.

Tân binh Luciano đến từ Braxin có giúp CLB Hà Nội T&T thỏa giấc mơ vô địch tại
V-League 2010?

Giai đoạn 1: Quá nhiều chuyện!

Đầu tiên phải kể đến nhóm các đại gia. 6 cái tên được đánh giá sẽ làm mưa làm gió là SHB Đà Nẵng (ĐKVĐ), B.Bình Dương (á quân), HN T&T (thứ 4), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đồng Tâm Long An (ĐTLA), V.Ninh Bình. Tuy nhiên chỉ có 3 cái tên đầu là "xứng danh anh hùng" vì kết thúc GĐ1 trong 3 vị trí dẫn đầu. Gần như liên tục, 2 đội bóng "2 trong 1" SHB Đà Nẵng và HN T&T thay nhau dẫn đầu BXH, chỉ B.Bình Dương thỉnh thoảng chen chân vào nhưng lại nhanh chóng bị đòi lại vị trí ngay. Hai cựu vương là HAGL và ĐTLA tuy đề ra những chỉ tiêu ghê gớm nhưng cũng nhanh chóng mất dạng và phải gồng mình chiến đấu với chỉ tiêu trụ hạng. V.Ninh Bình do chuẩn bị kém nên cũng lận đận, phải thay 2 lần tướng mới tạm ổn định và có thành tích chấp nhận được.

Vấn đề bạo lực sân cỏ lại nổi cộm ở V-League 2010. Khán giả bạo loạn trên khán đài, cầu thủ đá thô bạo tràn lan trên sân, thẻ vàng thẻ đỏ được trọng tài rút ra nhiều hơn các mùa trước nhưng như thế vẫn là quá rụt rè. Nhiều trận đấu thiếu chuyên môn, thừa bạo lực, cầu thủ thách thức khán giả bằng hành động thiếu văn hóa. BTC địa phương vì sự an nguy của đội nhà mà cố tình làm ngơ những thói hư tật xấu của cầu thủ, của những người phục vụ.

Vấn đề trọng tài và cách điều hành trọng tài của BTC giải cũng là điều nổi cộm về chuyên môn. Trình độ trọng tài non đã đành, chất "thép" của họ cũng non nên dễ bị cầu thủ và đội bóng "dẫn dắt".

Giai đoạn 2: Cũng không khá hơn?

Với tiêu chí "chiến thắng bằng mọi giá" của các ông bầu, của BTC địa phương; với nhiều đội bóng lấy bạo lực làm phương tiện đề giành điểm; với cách bảo vệ trọng tài… không giống ai, với cách điều hành giải còn bất cập nên sẽ khó có sự biến chuyển ở giai đoạn 2. Việc khán giả vừa "no nê" bóng đá sau World Cup 2010, chất lượng chuyên môn các trận đấu thấp là lý do khiến người ta lo ngại các SVĐ đã vắng khách càng vắng hơn. Việc nhiều đội trông chờ vào sự "thay máu" sau giai đoạn 1 (chủ yếu là thay cầu thủ ngoại) đã không diễn ra thuận lợi vì cầu thủ có chất lượng hiếm như lá mùa thu, nhiều HLV phải tặc lưỡi lấy bừa. Sẽ không có sự đột phá thật đặc biệt khi ở từng đội bóng, ở các bộ phận phục vụ giải, tư tưởng và động cơ không thay đổi.

Chức vô địch khó thoát khỏi tay nhóm 3 đội dẫn đầu. B.Bình Dương đã bị "bật" khỏi Cúp C2 châu Á nên có thể tập trung vào việc chinh phục chức vô địch. Nhiều người nói vui rằng may thay còn có B.Bình Dương, vì nếu không, chức vô địch sẽ là cuộc thi đua hòa bình giữa 2 đội bóng của bầu Hiển trong đó HN T&T được ưu tiên hơn vì đội bóng này coi chức vô địch là hành động thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Thực tế, những gì diễn ra từ đầu giải cho thấy khá nhiều đội không xứng đáng với "mác" chuyên nghiệp. Nhiều người đặt câu hỏi: "14 đội có phải là giải pháp nâng "chất" của giải đấu cao nhất Việt Nam hay chỉ là cho đủ "cơ số đội" để giải hoạt động quanh năm"?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chờ nửa sau...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.