Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho nẻo về thiện lương

Đức Hải| 01/09/2011 06:20

(HNM) - Đến Trại giam Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của những phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 này. Cũng dễ hiểu bởi chỉ vài ngày nữa họ sẽ được đoàn tụ gia đình, trở về với đời thường.


Hành trình phạm tội
Đồng nghiệp trẻ làm báo mạng nói: "Viết về đặc xá anh phải đi trại Z30A mới thú, toàn cộm cán không à!". Thế nên, khi phạm nhân đầu tiên được Trung tá Lê Lưu (cán bộ quản giáo Phân trại K1, trại Xuân Lộc) dẫn vào tôi không khỏi ngỡ ngàng. Gương mặt thư sinh trắng trẻo, nụ cười hiền và ánh mắt sáng dưới cặp kính dễ đến 2 đi-ốp kia lẽ nào là hung thủ trong một vụ án "giết người"?

Mẹ con phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh.


Con đường đưa Trần Trung Hiếu vào vòng lao lý thật đơn giản: Sát hại tình địch do ghen tuông! Hiếu sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo ở phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Năm 2002, vào học Trường Cao đẳng Tài chính kế toán, Hiếu yêu một nữ sinh cùng trường tên Tr. (sinh năm 1984, ngụ tỉnh Đồng Nai). Họ ước hẹn đám cưới khi kinh tế đã ổn định. Ra trường, Hiếu làm việc tại một công ty thuộc Ngân hàng Sacombank, ít có thời gian chăm sóc người yêu nên hai người thường cãi vã. Linh cảm mách bảo Hiếu tình cảm của Tr. đã phai nhạt. Sau nhiều lần Hiếu gặng hỏi, Tr. thừa nhận quan hệ với bạn trai cùng lớp tiếng Anh buổi tối. Hiếu tới gặp người này để tìm hiểu, "nếu thật lòng yêu Tr. thì Hiếu sẵn sàng rút lui, còn nếu chỉ coi như thú vui qua đường thì hãy buông tha Tr.", nhưng anh ta dửng dưng đáp: "Con gái như chim trời cá nước, thằng nào săn được, bắn được thì hưởng". Câu nói "xanh rờn" như nhát dao đâm thấu tim gã trai si tình.

Chiều 25-2-2007, đi làm về, Hiếu mua ít hoa quả định mời người yêu ăn để… giải tỏa bức xúc. Trên đường tới chỗ Tr. trọ, Hiếu chạm trán người yêu và người bạn trai mới đang tình tứ chở nhau đi lễ. "Cả giận mất khôn", Hiếu đứng trước cổng giáo đường chờ tan lễ, tình địch đi ra liền nhào tới đâm một nhát dao Thái Lan (Hiếu khai mang theo để gọt trái cây) làm người này gục xuống. Gây án xong, Hiếu bình thản đọc số điện thoại taxi để Tr. đưa nạn nhân đi cấp cứu, sau đó đến cơ quan CA đầu thú. Nhát dao oan nghiệt làm người thanh niên kia mang thương tật 54%. Còn Hiếu bị kết án 10 năm tù vì tội danh "giết người", dù gia đình nạn nhân có đơn bãi nại. Lên trại Xuân Lộc, Hiếu được bố trí vào tổ văn hóa, giúp việc sổ sách trong thư viện, bảo trì máy tính cho các cán bộ phân trại K1. Hiếu nhờ bố mẹ gửi sách vở vào trại để tranh thủ học tập, rèn luyện, hy vọng ra tù sẽ tìm được công việc phù hợp với chuyên môn kế toán. Do ý thức cải tạo tốt nên tháng 1-2010, Hiếu được giảm án 6 tháng tù, đợt đặc xá dịp 2-9 năm nay, Hiếu đã được Chủ tịch nước ký Quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn khi mới thụ án 4 năm 2 tháng. Hiếu nói: "Từ bữa biết tin mình được xét đặc xá, em mừng lắm và đã khóc rất nhiều!".

Không có những bộ quần áo kẻ sọc thấp thoáng thì khu sản xuất đồ mộc của phân trại K1 giống nhà xưởng ở một làng nghề truyền thống nào đó, cũng tiếng máy cưa rú rít, máy bào xoèn xoẹt, tiếng đục chí chát… Phạm nhân Lê Văn Minh có nước da sậm nắng gió, đôi tay gân guốc, gương mặt chất phác đặc dân biển miền Trung. "Tui sinh năm 1955, nhà ở thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận. Nhà có nghề đóng ghe thuyền cha truyền con nối, 15 tuổi tui đã là thợ chính. Vợ tui đan lưới, làm công cho người ta…". Nhắc tới gia đình, giọng ông chợt xa xăm, bùi ngùi… Vợ chồng ông có 5 người con, 3 trai 2 gái, con trai lớn nhất sinh năm 1984, con gái út sinh năm 1997. Ngày ông đi xa, gia cảnh còn nheo nhóc lắm. "Giờ ba đứa lớn đã có vợ có chồng. Cơ cực cũng qua rồi, giờ cũng phấn khởi, yên tâm cả rồi" - Ông Minh cười khà khà. "Tính đến ngày được đặc xá (31-8) thì tôi đã chấp hành án được 10 năm, 7 tháng, 23 ngày". Chả riêng gì ông mà hình như bất cứ người tù nào cũng đều đong đếm chính xác từng ngày thụ án. Cũng phải thôi, bởi hơn ai hết họ thấm thía giá trị của sự tự do đến nhường nào… "Bữa đó còn 17 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán…". Ngày 4-1-2001, ông Minh đã "lỡ tay" dùng dao vá lưới đâm chết người cháu vợ sau khi bị nạn nhân (vốn côn đồ, ngang ngược) tấn công trước. Sau khi gây án, ông Minh lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Trên đường cùng gia đình đưa xác về lo mai táng, ông Minh đã tới đồn công an đầu thú.

Ba tháng sau, TAND tỉnh xử phạt ông Minh 20 năm tù. Gia đình nạn nhân có đơn xin giảm án, 3 tháng sau nữa Tòa phúc thẩm xử y án. Hồi mới vào trại Xuân Lộc ông làm công việc đập đá, sau sức yếu nên được chuyển sang khu chế biến cá bò, rồi đạp điều…, năm 2003 mới chuyển về xưởng mộc, phát huy nghề gia truyền. "Phạm nhân được học nghề mộc ra tù kiếm cơm thiên hạ cũng tốt, nhưng so với nghề đóng tàu thuyền của tôi thì thu nhập chỉ bằng 1/3 thôi" - Giọng ông Minh đầy vẻ hãnh diện. Trước lúc chia tay tôi, ông dặn: "Bữa nào chú qua Phan Rí Cửa thì ghé tui chơi. Cứ hỏi ông Cu Cày ai cũng biết, cái tên đó là do tui làm việc nhiều quá mà"…

Bế đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi, người phạm nhân nữ e dè kéo ghế ngồi tiếp chuyện chúng tôi, gương mặt khá xuân sắc đượm buồn. Nguyễn Thị Ngọc Anh sinh năm 1978, lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Quảng  Tiến, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Học hết lớp 4 rồi bỏ học, lớn lên một chút đi làm công nhân sản xuất giày da, được hai năm thì bỏ về nhà lấy chồng nhưng không đăng ký kết hôn, mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đã có tới… 6 đứa con (!)… Dường như mọi ngã rẽ cuộc đời với cô đều đơn giản, chóng vánh, nên khi gia cảnh khó khăn, việc sản xuất, buôn bán nước rửa chén nhỏ lẻ của chồng không thuận lợi thì cô thuê mặt bằng mở quán cà phê ôm ở rìa thị trấn Trảng Bom. "Quán nuôi 3 nhân viên nữ người miền Tây, nuôi cơm, ăn ở tại đó luôn. Mỗi khi có khách mua dâm, dù đi ra ngoài hay phục vụ tại chỗ em đều thu 20-30 nghìn/người, còn lại nhân viên hưởng". Hoạt động được hơn một tháng, đến ngày 15-8-2005 cơ sở mại dâm núp bóng cà phê đèn mờ của "Tú Bà" này bị cơ quan CA tỉnh Đồng Nai xóa sổ. Bốn đến năm tháng sau thì tòa xử, kết án 5 năm tù nhưng do thời điểm này Ngọc Anh đang nuôi con nhỏ mới 1,5 tháng tuổi (đứa thứ 4) nên được tại ngoại theo quy định của pháp luật, 36 tháng sau mới phải chấp hành án. Ngày 20-5-2010, cô được đưa vào phân trại K5, nơi duy nhất trong số 5 phân trại của trại giam Xuân Lộc, có tù nhân nữ. Tuy nhiên, lúc này cô lại đang có bầu đứa thứ 6. Cháu Nguyễn Thị Thùy An sinh ngày 11-1-2011 tại phân trại K5, trại giam Xuân Lộc. "Mỗi tháng trại cấp 350 nghìn đồng để mua sữa nuôi con, nhưng do cũng nhiều sữa mẹ nên tiền đó em để mua quần áo, tã lót" - Ngọc Anh cười. Chính nhờ đang nuôi con nhỏ nên cô đã được xét đặc xá dịp 2-9 này, khi mới thụ án được 1 năm, 3 tháng và 11 ngày!

Ở phân trại K5 còn hai phạm nhân nữa được hưởng đặc xá khi mới chấp hành án được ¼ thời gian. Có điều đây là hai trường hợp phạm tội khi đang còn vị thành niên. Phạm Hiền sinh năm 1991, ngụ tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), bị kết án 7 năm tù vì tội "giết người" lúc mới hơn 16 tuổi, đang học lớp 11 Trường THPT Định Quán. "Bữa đó em nhậu say quá, chẳng biết gì nữa"… Đêm 19-8-2008, Hiền đi sinh nhật một người bạn gái. Đám nhậu có khoảng 20 người, cả nam lẫn nữ. Đang nhậu thì một người bạn tên Phú chạy xe tới, thông báo vừa bị một nhóm thanh niên khác vây đánh. Máu anh hùng nổi lên, Hiền và 3 người nữa leo lên một chiếc xe máy chạy đi tìm đối thủ "giải quyết". Chạy khoảng 2 cây số không gặp ai, cả nhóm quay về, thấy một nhà ven đường (thuộc địa bàn ấp 2, xã Phú Hòa, huyện Định Quán) còn sáng đèn liền đập cửa. Chủ nhà lên tiếng đuổi đi nhưng bị chúng chửi bới, quậy phá, liền mở cửa cầm đèn pin đánh vào người Hiền. Lập tức, 4 tên côn đồ nhí xông vào hành hung chủ nhà. Một tên cầm ống tuýp sắt đập vào đầu làm chủ nhà gục xuống, ba đứa còn lại (trong đó có Hiền) xúm vào đánh hội đồng, hậu quả làm nạn nhân bị nứt sọ, chết trên đường đi cấp cứu. Cả nhóm sau đó bị bắt, đưa ra tòa xét xử. Hiền được đặc xá đợt này khi mới chấp hành án được 3 năm, 4 tháng. Tôi hỏi: "Ra tù cháu định làm gì?". Hiền nói khá rành rọt: "Con tính ra tù sẽ học tiếp bổ túc văn hóa, sau đó kiếm cái nghề nào đó có thể nuôi sống bản thân"…

Nơi rèn luyện tri thức và nhân cách

Trại Xuân Lộc (còn gọi là trại Z30A) hiện giam giữ khoảng 5.000 tù nhân. Trung tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám thị trại, cho biết: Theo phân loại của Bộ Công an trước đây thì trại Xuân Lộc là trại loại 1, giam giữ tội phạm hình sự nghiêm trọng. Trại có 5 phân trại, nằm rải trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Đợt đặc xá này, trại có 373 phạm nhân được đặc xá, trong đó có 32 nữ… Song song với việc xét đặc xá, dịp 2-9 năm nay trại Xuân Lộc còn có 787 phạm nhân được giảm án.

Là trại giam lớn nhất, nhì cả nước nên trại Xuân Lộc có tới hơn 800 cán bộ, chiến sỹ, hơn 90% là người gốc Bắc. Đặc thù này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ. Thậm chí, Trung tá Trần Văn Thành, Phó giám thị phụ trách phân trại K1, hơn 30 năm công tác ở trại nhưng vợ con vẫn ở ngoài quê Thái Bình. Nhắc về đồng đội, anh Tuấn ái ngại: "Còn hơn vợ chồng Ngâu ấy chứ. Hai bác ấy đều là con trưởng. Phải lo mồ mả tổ tiên, phụng dưỡng bố mẹ hai bên nên đưa gia đình vào đây sao được". Còn một người nữa vợ con vẫn ở quê Bắc Giang là anh Nguyễn Quyết Thắng, cán bộ quản giáo phân trại K1...

Tách biệt với trung tâm trại, cách khoảng 20 cây số, phân trại K5 nằm ở thị trấn Long Khánh (huyện Long Khánh) là nơi duy nhất trong số 5 phân trại có phạm nhân nữ. Lúc mới đến K5, tôi thực sự  ấn tượng không phải bởi bức tường rào nhà văn hóa trang trí khá đẹp, giàu nữ tính với những bức bích họa hoa lá, phong cảnh… do chính tay các "họa sỹ" trong trại thể hiện, mà chính là dòng chữ "Tri thức và nhân cách" đắp nổi phía trên cửa nhà văn hóa. Như đoán được ý tôi, Trung tá Nguyễn Trọng Tuấn nói: "Chúng tôi không chỉ làm nhiệm vụ giam giữ phạm nhân, mà còn phải làm người thầy của họ. Phải dạy văn hóa cho phạm nhân mù chữ, dạy nghề cho tất cả mọi người để khi trở về với đời thường họ có một cái nghề có thể nuôi sống bản thân, đặc biệt là ngoài tuyên truyền đường lối chính sách, chúng tôi còn dạy họ làm người qua những bài học giáo dục công dân, kỹ năng tổ chức cuộc sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm, Luật Cư trú, Luật Giao thông…".

Rời trại Xuân Lộc, chúng tôi cảm nhận được rằng, cùng với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước thì sự tận tâm của những cán bộ giám thị, quản giáo đã giúp những con người từng lầm lỡ được cảm hóa, rèn luyện nghị lực để có thể rũ bỏ quá khứ, tự tin đứng dậy và vững bước làm lại cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho nẻo về thiện lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.