Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chở mùa xuân ra đảo

Thanh Nhị| 11/02/2015 06:18

(HNM) - Con tàu Hải quân mang số hiệu 630 nhổ neo rời cảng Đà Nẵng vào một chiều cuối năm bắt đầu hành trình

Bộ đội Hải quân ở đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.


Tết sớm ở Cồn Cỏ

Cảng Đà Nẵng tàu thuyền ra vào tấp nập sau nhiều ngày biển động. Tàu Hải quân mang số hiệu 630 đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 ra thăm quân và dân hai đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi) không lẫn vào đâu được trong hàng trăm con tàu tấp nập trong bến. Quà Tết được chuyển lên tàu từ sáng, đủ đầy hương vị Tết cổ truyền: bánh chưng, chả giò, gạo nếp, miến dong, măng khô, hoa quả, bánh kẹo. Trưởng đoàn công tác, Đại tá Phạm Văn Quang - Phó Chính ủy Vùng 3 Hải quân dặn dò kỹ lưỡng tất cả thành viên trong đoàn những quy định phải chấp hành khi tàu vượt biển. Tôi và 24 nhà báo khác của cả nước háo hức càng háo hức hơn khi Đại tá Phạm Văn Quang thông báo: "Tàu đã chuẩn bị sẵn thuốc say sóng, đồ ăn thức uống cho đoàn. Đặc biệt đêm nay anh em cán bộ, chiến sĩ còn mang theo cả ngô, khoai dành riêng cho nữ phóng viên nhấm nháp để giảm cơn say sóng". Tất cả ồ lên trong niềm vui thơ trẻ. Ngô, khoai luộc sẵn, ủ ấm được các chiến sĩ mang đến tận phòng cho nhóm phóng viên chúng tôi.

Đêm trên biển đen và tĩnh lặng, chỉ có sóng ào ạt vỗ thân tàu. Tổ lái căng mắt dõi theo từng bước sóng, không cho tàu vấp phải những con sóng ngang. Trong đoàn có nhiều anh em phóng viên lần đầu đi biển nên say ngay từ lúc tàu nhổ neo rời cảng. Còn cánh dày dạn sóng nước thì cảm giác vẫn chưa thỏa khi đêm nay sóng nhẹ hơn mọi lần lênh đênh khác. Đoàn công tác mời những anh chị em phóng viên còn đủ sức họp mặt uống trà, ăn bánh, mứt chuyện trò. Những câu chuyện hài hước làm cho hải trình ngắn lại. Rồi mỗi người tự giục nhau trở về buồng khi đã quá nửa đêm. Tôi nhắm mắt ngủ vùi trên những con sóng biển cho đến khi loa phóng thanh trên tàu truyền đi thông báo: "Toàn tàu báo thức - báo thức toàn tàu" thì mới bật dậy. Phía trước đảo Cồn Cỏ đã hiện ra. Vậy là 90 hải lý từ Đà Nẵng đến Cồn Cỏ đã trôi qua.

Cán bộ, quân và dân đảo Cồn Cỏ có mặt ở bến cặp tàu đón đoàn công tác. Xúc động, thiêng liêng với tôi khi lần đầu tiên được đặt chân lên hòn đảo mà xưa nay chỉ nghe ba kể qua câu chuyện "Cồn Cỏ có con cá đua - là con cua đá". Cồn Cỏ trong sắc xanh đến lạ của cây rừng, mây trời và nước biển. Hai chiếc xe tải thi công công trình được "huy động" đón đưa đoàn đến Nghĩa trang Cồn Cỏ để dâng hương, đặt vòng hoa và viếng các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho Cồn Cỏ một màu xanh hôm nay. Gió lồng lộng thổi, mây trời bay là đà tưởng ngay trên mái tóc. Đứng trên điểm cao 39m so với mặt nước biển phóng tầm mắt nhìn bao quát cả đảo thu vào trong tâm trí tôi ấn tượng đẹp về Cồn Cỏ của đất lửa anh hùng Quảng Trị.

Cổng Nhà văn hóa huyện đảo mở rộng đón đoàn với những khuôn mặt rạng ngời của cán bộ, quân và dân hòn đảo hai lần Anh hùng. Những suất quà xuân ấm áp được trao tận tay cán bộ, quân và dân huyện đảo. Ngoài xa nắng mới đang lên, lòng người cũng rộn những thanh âm khó tả. Tất cả mới chỉ gặp lần đầu mà sao thấy thân quen quá. Trò chuyện, hỏi han, trao nhau ước vọng, chúc nhau một mùa xuân mới đủ đầy, hạnh phúc râm ran cả một góc trời nước non Cồn Cỏ…

Bữa cơm Tất niên sớm được chính tay các cán bộ, chiến sĩ trên đảo chuẩn bị tinh tươm đãi khách đất liền. Đủ đầy hương vị Tết quê khiến chúng tôi ngỡ như mình đang ở nhà. Càng hạnh phúc hơn với những ánh mắt, nụ cười gửi trao nhau ngay trong mâm cơm ngày Tết ấy. Ngoài kia bàng vuông bắt đầu chúm chím đơm bông thay cho mai vàng, đào thắm. Mâm ngũ quả ngày xuân ở đảo xa này chỉ có những nải chuối được trồng ngay trên những vạt rừng mà phía dưới ắt hẳn vẫn còn đạn bom sót lại. Vậy mà Đại úy Phạm Hồng Thái vẫn bảo rằng: Tết ở Cồn Cỏ chẳng thiếu thứ gì! Câu nói ấy làm tôi hiểu hơn về các anh. Những người lính Hải quân luôn vững lòng, chắc tay súng đón xuân nơi đầu sóng để mùa xuân của non sông mãi đơm hoa, kết trái.

Bữa cơm Tất niên sớm cùng các chiến sĩ trên tàu Hải quân HQ 630.


Lý Sơn đón xuân về

Bịn rịn chia tay Cồn Cỏ, con tàu Hải quân 630 lại nhổ neo vượt gần 180 hải lý ngược vào Lý Sơn - hòn đảo quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa thuở nào. Hơn 20 giờ lắc lư theo nhịp sóng biển, với hai bữa cơm tối - sáng, tàu cặp đảo Lý Sơn. Vốn là người con của hòn đảo này, tôi đã bao lần ra đảo nhưng sao sáng nay khi "Toàn tàu báo thức - báo thức toàn tàu" tôi cảm thấy bỡ ngỡ như lần đầu ra đảo. Đón chúng tôi vẫn là những người lính Hải quân quen thân ấy nhưng khi nắm tay trùng phùng trước biển chợt cảm thấy bồi hồi khó tả.

Những thùng quà xuân theo xe lăn bánh về trụ sở UBND huyện để trao tay cán bộ, quân và dân nơi đây. Cả hội trường xúc động khi Đoàn trưởng Đại tá Phạm Văn Quang - Phó Chính ủy Vùng 3 Hải quân cho biết những món quà của ít lòng nhiều ấy đã phải lênh đênh hai ngày đêm trên biển mới đến được nơi đây. Đoàn đến tận nhà thăm, chúc Tết Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất ở Lý Sơn Phạm Thị Phẩm. Mẹ Phẩm nhắn nhủ những người lính Hải quân vui xuân không quên nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Năm nay, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân còn dành tặng những cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn những suất quà Tết ý nghĩa. Thượng úy Hoàng Đình Hinh, có vợ suy thận nặng khi nhận quà Tết của Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã rất xúc động, nghẹn ngào. Thượng úy Hoàng Đình Hinh nói với tôi: "Đó là sự động viên rất lớn đối với bản thân mình và gia đình". Con trai anh có thêm tấm áo mới, vợ anh - cô giáo Bùi Thị Bích Thuận có thêm hộp sữa để bồi bổ. Và trên hết là sự ấm áp của tình đồng chí, đồng đội trong khi mùa xuân về, giúp anh chị có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính, của người giáo viên gắn bó với đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Quà xuân ra đảo với những người lính Cồn Cỏ, Lý Sơn còn có cả tấm lòng của những người làm báo gồm tủ lạnh, ti vi, máy vi tính cho lính đảo. Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi có một buổi gặp gỡ, ăn bữa cơm Tất niên ngay trên boong tàu Hải quân 630. Dưới là sóng biển, trên có mây trời và ở khoảng giữa ấy là tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân dạt dào. Ly rượu xuân nồng nàn, câu chúc mừng xuân thắng lợi cứ râm ran mãi cho đến khi tàu trở về Đà Nẵng với hải trình 90 hải lý. Sóng xuân chao nghiêng, đêm đen, biển lặng nhưng lòng người lại rộn lên bản tình ca người lính tự hào và thiêng liêng hết đỗi. Mùa xuân đã về nơi đảo xa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chở mùa xuân ra đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.