(HNM) - Sau 4 năm
Vùng đất giàu bản sắc
Nói đến Phúc Thọ là nói đến vùng đất giàu truyền thống, có bản sắc văn hóa rất riêng, tiêu biểu là truyền thống hiếu học. Trong suốt thời kỳ phong kiến, Phúc Thọ có hàng chục vị tiến sĩ, tiêu biểu là Giang Văn Minh. "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú ghi lại: Năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) khóa Mậu Thìn đỗ tiến sĩ 18 người. Hội nguyên, đình nguyên Thám hoa Giang Văn Minh người làng Mông Phụ, huyện Phúc Lộc". Không chỉ học rộng tài cao, Giang Văn Minh còn là nhà ngoại giao lỗi lạc. Nhờ tài trí của ông mà lệ cống nạp hằng năm gọi là "trả nợ Liễu Thăng" được xóa bỏ.
Đền thờ Hai Bà Trưng (Hát Môn) là một trong những di sản vật thể có giá trị của huyện Phúc Thọ.
Trải qua nhiều biến động, Phúc Thọ vẫn còn lưu giữ lại một hệ thống di sản vật thể có giá trị như đình Thanh Mạc (xã Thanh Đa), đình Thu Vi (xã Thượng Cốc), đền thờ Hai Bà Trưng (Hát Môn)... Những công trình này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn tiêu biểu về mặt kiến trúc, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân đương thời. Theo thống kê, Phúc Thọ có 193 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 82 di tích được xếp hạng. Đền thờ Hai Bà Trưng xưa kia được gọi là đền "quốc tế", vì hằng năm triều đình đều cử khâm sai là ba quan đầu tỉnh thay mặt nhân dân cả nước về tế. Đây cũng là vùng đất lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa. Tại đồi Ngo (còn gọi là đồi Ngô Sơn) ở Tích Giang, thôn Tường Phiêu, các nhà khảo cổ tìm thấy một số rìu đá cách đây mấy nghìn năm. Tháng 9-1996, các nhà khảo cổ phát hiện ở chùa Triệu Xuyên một tấm bia bằng gỗ quý khắc năm 1626 còn khá nguyên vẹn, trang trí "lưỡng long chầu nguyệt", có bốn chữ An Long tự bi. Đây là tấm bia gỗ duy nhất tìm được ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Toàn Nghĩa, người đã dày công góp dựng nên cuốn Huyện Phúc Thọ - Làng xã và những di sản văn hóa cho rằng mỗi một ngôi đình, đền, chùa ở Phúc Thọ không chỉ đơn giản là hiện vật bảo tàng mà xung quanh đó, hằng ngày, hằng giờ diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo. Đó chính là những không gian văn hóa sống động.
Vành đai xanh
Ngôi nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Oánh, 74 tuổi, ở thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên nằm giữa không gian xanh mướt với sân vườn đầy cây cảnh. Ngày trước, đến đây đúng ngày mưa thì rất cực. Đường làng chật hẹp, nhão nhoét bùn đất. Giờ đường được mở rộng 10m, thậm chí có hẳn đoạn đường đôi như "trên phố" - ông Oánh kể.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế - xã hội ở xã Võng Xuyên đã thay đổi nhanh chóng quy từ nhà ở của người dân cho đến giao thông, thủy lợi, trường học, môi trường. Ông Oánh bảo: "Bà con phấn khởi lắm". Võng Xuyên là xã điểm của huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới và những đổi thay trên cho thấy hướng làm, cách đi của huyện hết sức hiệu quả.
Ông Nguyễn Toàn Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Phúc Thọ vốn là huyện thuần nông, là vùng đất giàu truyền thống và kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương. Theo định hướng chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, huyện Phúc Thọ nằm trong vùng hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích liền kề đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc. Một trong những điểm mấu chốt để xây dựng nông thôn mới thành công, góp phần hình thành vành đai xanh Thủ đô là công tác dồn điền, đổi thửa.
Trước đây, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tây (cũ), ngày 9-4-1997, huyện Phúc Thọ ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU về việc lãnh đạo chuyển đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Ngày 19-9-1997, UBND huyện ban hành Kế hoạch 157a/KH-UB hướng dẫn chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân. Ngày 22-1-2007, UBND huyện tiếp tục ban hành Đề án 32/ĐA-UBND về chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc dồn điền đổi thửa được nâng lên một bước. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở các xã Thượng Cốc, Vân Phúc, Vân Hà... tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. Một số diện tích sau chuyển đổi đã phát huy hiệu quả rõ rệt, bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập của hộ nông dân được nâng lên. Công tác quản lý đất đai có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều thửa nhỏ, manh mún. Sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, việc tổ chức sản xuất theo hướng quy mô, tập trung nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, nâng cao đời sống người nông dân càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Năm 2012, Phúc Thọ sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa ở xã Võng Xuyên. Các xã còn lại và thị trấn đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất một thôn hoặc cụm dân cư để phấn đấu cuối năm 2013 sẽ cơ bản hoàn thành.
Đã rõ hướng đi lên
Về Phúc Thọ, qua quá trình đi thực tế ở cơ sở, có hai câu chuyện làm chúng tôi nhớ mãi. Chuyện thứ nhất là lập quỹ khuyến học. Trước đây một số xã của huyện thu quỹ theo đầu sào, cỡ hơn 2.000 đồng/sào, nhiều xã - như cán bộ thu ngân nói - thu "toét mắt" mới được hơn 1 triệu đồng. Huyện đã khuyến khích thành lập các CLB khuyến học, do những cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ nhiệm; quỹ có quy chế hoạt động rõ ràng, mọi nguồn thu đều dành cho công tác khuyến học. Cháu nào thi đỗ đại học thưởng 1 triệu đồng, đỗ thủ khoa thưởng 5 triệu đồng... Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều CLB đã thu được hơn 100 triệu đồng, có xã được gần 1 tỷ đồng cho các quỹ khuyến học. Chuyện thứ hai là thực hiện nếp sống văn hóa. Trước việc ma chay ở vùng này còn nặng nề, nhất là khoản cỗ bàn, có đám tang làm tới 200 mâm, ăn hai ngày, rượu cứ gọi là... uống "tràn cung mây". Thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do thành phố phát động, một số xã có CLB quân nhân đứng ra lo chôn cất, làm nhiệt tình, chu đáo và không lấy một đồng nào. Các hủ tục dần bị loại bỏ theo hướng văn minh, tiết kiệm hơn.
Xây dựng Phúc Thọ xứng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử là nguyện vọng, mong mỏi của người dân đồng thời là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Minh Tuấn tâm sự: Muốn Phúc Thọ không chỉ giàu đẹp mà còn phát triển bền vững không gì khác hơn là phải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả. Hàng loạt đầu việc được đặt ra như phải tập trung quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành và quản lý sau quy hoạch; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phục vụ dân sinh, kinh tế và phải thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Đồng thời, việc xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh là cơ sở để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Theo quy hoạch mới đây, trong tương lai không xa, Phúc Thọ sẽ trở thành đô thị sinh thái của Hà Nội. Mục tiêu, nhiệm vụ đã rất rõ ràng. Vùng đất này sẽ sớm trở thành khu đô thị sinh thái hỗ trợ phát triển vùng nông thôn nằm trong hành lang xanh Hà Nội. Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thời gian qua đang chờ ngày thu mùa quả ngọt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.