Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho lần đầu và những lần sau

Minh An| 27/12/2015 07:02

(HNM) - Một người thầy lần đầu cùng các học trò giành nhiều HCV tại Đại hội Thể thao người khuyết tật (TTNKT) Đông Nam Á - ASEAN Para Games. Hai cậu học trò lần đầu giành HCV Para Games sau những lần lỡ dở vì nhiều nguyên nhân...


Tấm vé đến muộn

Trong danh sách HLV thuộc Đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Para Games 2015, cái tên Trần Thanh Hoàng được điền muộn nhất. Trước đó, chuyện HLV này không có tên trong danh sách đoàn Việt Nam đã khiến nhiều người băn khoăn, bởi hầu hết VĐV điền kinh Hà Nội dự Para Games 2015 đều do anh huấn luyện trực tiếp, chỉ Hoàng mới nắm rõ nhất tâm lý, đặc điểm chuyên môn của từng VĐV. Trò lên đường trong khi thầy ở nhà thì cũng lạ. Có lẽ, nhận thấy điều này nên cuối cùng người có trách nhiệm đã bổ sung Hoàng vào danh sách.

VĐV Phùng Đình Tú (giữa) trên bục nhận huy chương.


Trong những ngày diễn ra Đại hội, các VĐV trong tổ chạy của anh đã gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác để mang về thành tích tốt nhất cho điền kinh NKT Hà Nội trong nhiều kỳ Para Games gần đây. Kết thúc Para Games 2015, các học trò của anh giành tới 10 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ - chiếm hầu hết số huy chương của đội điền kinh NKT Hà Nội, phá 2 kỷ lục Đại hội. Tính chung thành tích của đội điền kinh Việt Nam tại giải, nhóm VĐV này cũng đứng đầu về số huy chương. Chẳng thế mà ngay từ bây giờ, nhiều người đã đề cử Hoàng vào danh sách bầu chọn HLV TTNKT tiêu biểu năm 2015.

Khi tốt nghiệp ĐH TDTT Bắc Ninh khoa thể dục cách đây 10 năm, Trần Thanh Hoàng được nhận vào làm ở đội điền kinh CLB TTNKT Hà Nội. Quãng thời gian đầu tiên ở CLB là những ngày học hỏi, làm quen với môn thể thao nhiều đặc thù đòi hỏi sự kiên nhẫn và cái tâm với VĐV. Lăn lộn với VĐV mãi rồi cũng có ngày Hoàng được tham dự Para Games vào năm 2009 nhưng ở vai… người dắt đường cho các VĐV khiếm thị. Phải đến 2011, Hoàng mới được dự Para Games đầu tiên trong sự nghiệp HLV. Đến lần thứ tư này, Hoàng mới giành được thành công lớn nhất. Rốt cuộc, trồng cây mãi cũng đến ngày thu trái ngọt!

Lần đầu cho hai anh chàng 9X

Với 2 nhà vô địch Para Games 2015 là Phùng Đình Tú và Lê Văn Mạnh do HLV Trần Thanh Hoàng dẫn dắt, đây là lần đầu tiên đăng quang ở sân chơi mà họ đã dốc sức tập luyện để mong có cơ hội tham dự.

Mạnh bị suy giảm chức năng chân và tay phải từ nhỏ sau một lần tiêm phòng bại liệt. Không may mắn như chúng bạn nhưng nghị lực sống của chàng trai này lại có thừa. Cậu vẫn học, làm việc nhà như người bình thường chỉ bằng tay trái, rồi sau đó theo học thiết kế website, thiết kế đồ họa ở Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Hà Nội. Tốt nghiệp cách đây 4 năm, tưởng rằng sẽ xin đi làm ở công ty tin học nào đó thì bất ngờ Mạnh được giới thiệu tập luyện ở CLB TTNKT Hà Nội. Tập chơi, nào ngờ Mạnh gắn bó luôn với CLB, cũng một phần do các HLV nhận thấy tố chất thể thao quá tốt của anh. Thế là chàng trai này chuyển đến ăn, ở, sinh hoạt ngay tại CLB TTNKT Hà Nội.

Năm 2013, lẽ ra Mạnh đã được tham dự Para Games. Nhưng, lúc đó, HLV đội tuyển không chọn anh vì cho rằng Mạnh không thuộc loại thương tật nào. Lần này, Mạnh lại được chọn tham dự hạng T37 và khi sang Singapore khám thương tật, các bác sĩ cũng xếp anh vào loại này. Mạnh kể rằng, lần đầu tham dự Para Games nên lúc chuẩn bị thi đấu, khởi động mãi mà chân vẫn như đeo chì, phải đến khi có lệnh xuất phát thì mới như tỉnh ra. Tham dự 3 nội dung, Mạnh giành 2 HCV nội dung 100m và 400m, phá cả kỷ lục Đại hội ở nội dung 400m, tiếp cận thành tích đoạt huy chương ở Đại hội TTNKT Châu Á.

Cũng sinh năm 1990, VĐV Phùng Đình Tú gặp tai nạn khi đã gần đôi mươi. Năm 2007, chàng trai quê ở Lạng Sơn này đã đỗ vào Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Nhưng trong một lần đến thăm người em ở xưởng sản xuất giấy, Tú gặp nạn, phải cưa một tay. Giấc mơ học ĐH TDTT lỡ dở, một năm sau anh xuống Hà Nội làm quản lý bóng tại sân quần vợt Hồ Tây. Tố chất thể thao còn nguyên vẹn nên chẳng mấy chốc anh lọt vào mắt của các HLV CLB TTNKT Hà Nội, nhưng phải đến năm 2010 anh mới vào tập tại CLB khi thu xếp được thời gian ở chỗ làm việc. Những lúc tập trung chuẩn bị cho giải đấu anh phải nghỉ làm, mà nghỉ việc là không có lương nên để thích nghi cũng không dễ. Đã vậy, Tú lại sớm lập gia đình, có con nên mối lo cơm áo gạo tiền luôn song hành với việc tập luyện thể thao tại CLB TTNKT. Như trong năm nay, để chuẩn bị cho giải đấu quốc tế tại Đức (sau này, chuyến đi bị hủy vào phút chót) cũng như Para Games, Tú cũng phải nghỉ việc đến 6 tháng. Cũng may, ở Đại hội lần này, anh giành 2 HCV, 1 HCB. Số tiền thưởng từ thành tích này ít ra cũng bù đắp được cho số tiền lương mà anh không được hưởng do nghỉ việc.

Đến với TTNKT, sau mỗi câu chuyện của mỗi HLV, VĐV là biết bao câu chuyện đời, chuyện nghề, những sự đánh đổi, lựa chọn, nhưng trên hết vẫn là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mỗi tấm HCV họ giành được không chỉ là niềm vui cho bản thân, bố mẹ, vợ con và người thân, mà còn là những ngọn lửa nhỏ đầy ấm áp góp thêm cho cuộc đời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho lần đầu và những lần sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.