(HNM) - Kể từ năm 1995 trở lại đây, bóng đá nam Việt Nam đã 5 lần lọt vào chung kết SEA Games, nhưng vẫn chưa lần nào bước lên đỉnh cao nhất. Điều đó trở thành động lực và cũng là gánh nặng tâm lý đối với thầy trò HLV Falko Goetz trong chuyến hành trình đến Jakarta (Indonesia) dự SEA Games 26.
HLV F.Goetz và các học trò trong một buổi tập luyện trước thềm Sea Games 26. |
Đã có nhiều chuyên gia phân tích về lý do khiến U.23 Việt Nam luôn gục ngã trước "cửa thiên đàng". Nào là thiếu may mắn, kém bản lĩnh, yếu thể lực. Nào là không đủ quyết tâm, hoặc cả những nguyên nhân tiêu cực. Tại SEA Games lần này, dù vẫn còn một số vấn đề về chuyên môn, như thiếu một trung phong biết ghi bàn hay làm tường cho đồng đội, hoặc cặp trung vệ vẫn còn nhiều sơ hở, nhưng với mặt bằng khu vực Đông Nam Á thì U.23 Việt Nam vẫn là một trong những đội tốt nhất. Thậm chí, U.23 Việt Nam còn được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch khi các đội mạnh phải giành giật nhau 2 tấm vé đi tiếp ở bảng A, còn U.23 Việt Nam lại có thuận lợi rất lớn về lịch thi đấu lẫn các đối thủ ở vòng bảng đều không quá mạnh.
Thuận lợi là thế, nhưng vẫn có nhiều ý kiến bi quan về khả năng giành HCV của U.23 Việt Nam. Không ít chuyên gia lo ngại tâm lý thi đấu thiếu ổn định có thể là rào cản lớn. Khi tâm lý tốt, U.23 Việt Nam có thể chơi ngang ngửa với những đội mạnh, còn khi gặp trục trặc thì đội có thể thua những đối thủ yếu hơn. Điều này từng thể hiện rõ trong trận thua U.23 Malaysia ở chung kết SEA Games 25 và mới tái hiện trong trận hòa với chính đối thủ này ở VFF Cup 2011.
Vấn đề này đã từng xuất hiện ở những thế hệ cầu thủ trước đây, chẳng hạn thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức cứ nghe đến đối thủ Thái Lan là "tim đập, chân run". "Căn bệnh" "sợ" Thái Lan từng là nan y dưới thời các HLV từ năm 2007 trở về trước. Chính danh thủ Kiatisuk từng nhận xét: "Không rõ vì sao các cầu thủ Việt Nam luôn không là mình khi gặp Thái Lan dù trước đó, tôi thấy họ chơi rất hay khi gặp các đội khác". Thế nên, khi gặp Việt Nam Thái Lan thường rất dễ đá, chỉ cần chơi áp sát ngay từ phần sân bên kia là lối chơi Việt Nam bị vỡ rồi tự thua.
Chỉ đến AFF Cup 2008, khi HLV quái chiêu Calisto có rất nhiều "bài" để nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc thì các cầu thủ Việt Nam mới "bùng cháy" để giành chiếc cúp vô địch. Khi "bài toán" Thái Lan đã được giải quyết thì những trận thua Malaysia ở giải đấu quan trọng gần đây lại khiến các cầu thủ mắc phải bệnh cũ.
Tại VFF Cup vừa qua, những gì diễn ra ở 2 trận đấu đầu tiên với U.23 Myanmar và U.23 Uzbekistan đã chứng tỏ HLV Falko Goetz cũng là chuyên gia tâm lý có hạng khi biết cách thúc đẩy các học trò cháy hết mình. Lời nói đầu tiên của ông khi sang Việt Nam càng chứng tỏ điều đó: "Tôi sẽ dạy cầu thủ Việt Nam khi ghi bàn sẽ không chỉ vào tên trên áo, mà chỉ vào trái tim. Trong đội tuyển chúng tôi không có ngôi sao mà chỉ có ngôi sao trên lá cờ Việt Nam". Giờ đây, người ta đang chờ đợi ông Goetz sẽ trổ tài để "truyền lửa" vào trái tim các học trò trong suốt hành trình chinh phục tấm HCV SEA Games, vốn khá đỏng đảnh với bóng đá Việt Nam. Cơn khát 52 năm sẽ chỉ chấm dứt nếu ông Goetz biết cách trị "căn bệnh sợ" của các học trò.
Danh sách 21 tuyển thủ U.23 Việt Nam Thủ môn: Nguyễn Tuấn Mạnh (HA.GL), Trần Bửu Ngọc (CS.ĐT), Lâm Ấn Độ (TCD.BD). Hậu vệ: Nguyễn Quốc Long (HN.T&T), Bùi Xuân Hiếu (HA.GL), Âu Văn Hoàn (SLNA), Dương Thanh Hào (CS.ĐT), Chu Ngọc Anh, Lâm Anh Quang (Nam Định), Trương Huỳnh Phú (ĐT.LA), Nguyễn Thành Long Giang (N.SG). Tiền vệ: Ngô Hoàng Thịnh, Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình (SLNA), Phạm Thành Lương (HN.ACB), Đinh Thanh Trung (HP.HN), Nguyễn Văn Quyết (HN.T&T). Tiền đạo: Hoàng Đình Tùng, Lê Văn Thắng (Thanh Hóa), Lê Hoàng Thiên (HA.GL), Nguyễn Tuấn Anh (ĐN.B). Thảo Ly |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.