(HNM) -
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Ngô Bá Oanh giới thiệu với phóng viên khu nuôi nhốt hổ. |
Mỗi ngày qua đi, nhìn chuồng trại chật hẹp thêm, hàng trăm động vật lớn, bé chen chúc nhau mà thấy buồn..." - Đó là những tâm sự nặng trĩu của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội Ngô Bá Oanh khi cùng chúng tôi đi thực tế một vòng quanh khu nuôi dưỡng ĐVHD.
Từ cứu hộ đến "bà đỡ"
Ở Trung tâm Cứu hộ ĐVHD này, các nhân viên được coi là có biệt tài chinh phục được những loài dữ tợn nhất. Những chú hổ, gấu vốn rất khó gần cũng trở nên hiền lành khi thấy nhân viên trung tâm. Đơn giản bởi họ là những người nuôi dưỡng, chăm sóc và cả chữa trị vết thương cho chúng khi giải cứu từ những vụ buôn bán. Ông Ngô Bá Oanh say sưa kể về những động vật được cứu hộ, nhất là những chú hổ con ngày đầu về trung tâm. Khi mới về đây, chúng nhỏ bé, để nuôi lớn, các cán bộ của Trung tâm phải pha sữa bột vào bình như cho em bé ăn.
Mỗi khi pha sữa, bình sữa đều phải tiệt trùng, để tránh bị nhiễm khuẩn. Khi được vài tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn thức ăn dặm. Rồi khi hổ mẹ sinh con, đích thân ông Oanh là người túc trực đỡ đẻ. Ông Oanh nhớ lại: Hôm đó là ngày 10-5-2010, cá thể hổ đầu tiên đã được sinh sản thành công tại Trung tâm, đánh dấu bước chuyển mình, đột phá trong công tác gây nuôi ĐVHD quý hiếm nói chung và loài hổ nói riêng.
Vừa đi thăm các chuồng nuôi, ông Oanh vừa kể chuyện bỗng có tiếng gầm rùng rợn, rồi một chú hổ xông ra lan can nhe nanh đầy đe dọa khiến ai nấy đều kinh hãi định quay đầu bỏ chạy. Ông Oanh cười trấn an khách, rồi lại gần chú hổ mắng: Beo! Beo! Im ngay! Cũng lạ con hổ đang hung tợn là thế, lập tức ngoan ngoãn đi vào nằm. "Đây là con hổ đực, nặng trên ba tạ đã gắn bó với Trung tâm này cả chục năm rồi và là nó bố của hàng chục con hổ con ở đây đấy" - Ông Oanh cho biết.
Đến khu chuồng nuôi gấu, con nào con ấy đều được đặt tên, lông mềm, mượt, béo tốt. 16 con gấu đã được Tổ chức Four faws tài trợ khu nuôi nhốt bán hoang dã trị giá 1,9 tỷ đồng, có sân chơi cho chúng nên khấm khá hơn so với khu vực nuôi hổ. Ông Oanh khoe với phóng viên rằng, hổ đẻ ở Trung tâm thì nhiều, nhưng gấu thì đây là ca đầu tiên. Đó là con gấu mẹ có tên Nghệ An (tên gấu được đặt theo tên địa phương chuyển giao về Trung tâm) đã hạ sinh một chú gấu con.
Khi gấu chuẩn bị sinh đã được các nhân viên trung tâm chuẩn bị kỹ càng bảo đảm "mẹ tròn con vuông". Thậm chí do lần sinh gấu con vào mùa đông, Trung tâm đã sắm cả một đèn sưởi để hai mẹ con không bị lạnh… Cứ thế, ông Oanh say sưa kể hết chuyện này sang chuyện khác về các con vật. Hơn 200 cá thể động vật thuộc hàng chục loài thú đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội trong đó có trên 36 cá thể hổ, 16 con gấu, hàng chục con vượn, khỉ, nhiều loài chim, bò sát... Đáng chú ý, có 26 chú hổ con chào đời tại Trung tâm, 1 chú vượn đen má trắng và 48 con khỉ đuôi dài, 1 con khỉ đuôi lợn phát triển rất khỏe mạnh.
Mỏi mòn chờ đợi
Từ những năm đầu 90, của thế kỷ XX, việc săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD ngày càng gia tăng. Hà Nội là đầu mối chung chuyển và là tụ điểm tiêu thụ ĐVHD lớn. Những biện pháp cấp bách để bảo vệ các loài ĐVHD được đặt ra và năm 1996, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội ra đời. Đây là đơn vị duy nhất trên cả nước có chức năng cứu hộ, bảo tồn; nuôi phục hồi và thả về tự nhiên ĐVHD.
Vì vậy, hàng năm, Trung tâm đều tiếp nhận hàng chục, hàng trăm cá thể ĐVHD do các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu do săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép đưa về nuôi dưỡng trước khi thả lại về tự nhiên. Ấy vậy nhưng trung tâm lại đang ở trong tình cảnh vô cùng chật chội với diện tích chỉ vỏn vẹn 1ha dùng cho xây dựng trụ sở làm việc, chuồng trại nuôi nhốt và nhà nghiệp vụ phục vụ công tác cứu hộ... Số lượng động vật mỗi ngày một nhiều lên, đồng nghĩa diện tích chuồng trại thu hẹp từng ngày.
Ông Oanh trầm tư: "Thông thường sau cứu hộ, Trung tâm lại tổ chức thả về môi trường tự nhiên tại nhiều khu vực rừng trong cả nước có điều kiện tự nhiên phù hợp với các loài như các vườn quốc gia Cát Tiên, Ba Bể, Cát Bà và Vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu rừng đặc dụng Hương Sơn... Tuy nhiên, đối với những loài thú dữ, việc thả về rừng phải được cân nhắc rất kỹ. Thực tế khi thả về thiên nhiên, động vật phải được nuôi nhốt bán hoang dã để quen dần với môi trường tự nhiên.
Nhưng diện tích chật hẹp thì làm sao thực hiện được điều đó?" Chỉ tay về chú hổ trong chuồng, ông Oanh cho biết, nhân viên của Trung tâm vẫn vuốt má nó mà không sợ hãi, nếu thả lại về rừng ngay, e rằng sẽ không sống được. Ngoài ra, tỷ lệ động vật bị tịch thu đưa về trung tâm nuôi dưỡng ngày một cao nhưng thả về tự nhiên thì hạn chế bởi việc xử lý của cơ quan chức năng chậm. Đã từng có những vụ án hình sự, Trung tâm "giữ hộ" ĐVHD kéo dài, thậm chí có trường hợp qua 3-4 năm vẫn chưa xử lý ảnh hưởng đến chất lượng công tác cứu hộ.
Băn khoăn, mong mỏi của những người làm công tác cứu hộ ĐVHD đã được nhen nhóm khi năm 2007, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Đến năm 2012, thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu chức năng; xây dựng mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD tỷ lệ 1/500 trên diện tích 12ha thuộc rừng đặc dụng Sóc Sơn.
Với điều kiện rừng núi tự nhiên, dự kiến Trung tâm không chỉ có khu vực nuôi nhốt mà còn có khu bán hoang dã cho thú dữ, thú móng guốc và khu bò sát lưỡng cư... rộng hơn 87 nghìn mét vuông đất đồi núi rừng. Theo quy hoạch Trung tâm không chỉ cứu hộ ĐVHD mà còn cả phát triển khu bảo tồn ĐVHD trong nước và ngoài nước phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, tham gia học tập… Tổng số vốn đầu tư dự án khoảng 147 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố…
Tia sáng chợt lóe lên khiến những người làm công tác cứu hộ vui mừng. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" bởi sau quy hoạch, dự án đã "đắp chiếu" và chỉ là trên giấy. Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án kè cứng hóa bờ Sông Hồng (đơn vị được giao triển khai dự án) cho biết nhiều lần đề nghị nhưng dự án vẫn chưa được ghi vốn và cũng chưa biết đến bao giờ mới triển khai. Vậy là sau 9 năm chuẩn bị đầu tư và 4 năm phê duyệt quy hoạch, đến nay việc xây dựng mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội vẫn còn quá xa vời bởi vì "chưa bố trí được vốn".
Chia tay những người làm công tác cứu hộ ĐVHD, tôi cứ băn khoăn với mong mỏi của họ. Đó là tâm nguyện làm sao cứu, bảo tồn được ngày càng nhiều những loài vật quý hiếm. Những loài động vật góp phần làm phong phú thiên nhiên và chúng cũng như con người là có quyền được sống và sinh sôi nảy nở. Vậy nhưng để cứu hộ, bảo tồn, phát triển được nhiều hơn ĐVHD chắc chắn không phải là những năm tháng chờ đợi được "bố trí vốn" mà cần lắm sự quan tâm của cấp có thẩm quyền để dự án đã được phê duyệt trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.