Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ đợi ''người hùng'' đường sắt đô thị

Yến Linh| 18/08/2022 15:26

(HNNN) - Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 320km. Đây được coi là trục vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn chủ lực, khi đi vào vận hành đồng bộ cùng các tuyến buýt hiện hữu sẽ góp phần giảm phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 tuyến được khởi công xây dựng và 1 tuyến là Cát Linh - Hà Đông “về đích”, đi vào hoạt động.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng

Hiệu quả rõ rệt

Trải qua hành trình gian nan kéo dài cả chục năm, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư mới hoàn thành, đưa vào khai thác. Được khởi công từ ngày 10-10-2011, đến ngày 6-11-2021, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đưa vào khai thác giai đoạn đầu. Ngay khi tiếp nhận dự án, Hà Nội đã vận hành, chở miễn phí hành khách trải nghiệm trong 15 ngày đầu.

Dù chậm tiến độ, nhưng việc đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác vẫn được đón nhận. Lượng người đi trải nghiệm ngay sau khi tuyến được vận hành rất lớn. Người dân không chỉ đi vì tò mò bởi ngay trong hai tháng đầu vận hành, trung bình mỗi ngày có khoảng 15 nghìn lượt khách sử dụng dịch vụ. Và đến thời điểm chính thức khánh thành, ngày 13-1-2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phục vụ hành khách thứ 1 triệu.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết: “Hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được người dân cảm nhận. Đến nay, hành khách đi tàu vẫn đang có xu hướng tăng”. Còn theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển khoảng 2,4 triệu lượt hành khách. Đây là con số khá ấn tượng nếu so sánh với con số 1,44 triệu lượt hành khách của tuyến buýt BRT và hơn 120 triệu lượt hành khách của hơn 100 tuyến xe buýt bình thường. 

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Theo quy hoạch, ngoài các tuyến đường sắt quốc gia, Hà Nội có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 320km. Việc phát triển đường sắt đô thị đã được đem ra bàn thảo, tính toán từ rất lâu, trong đó có lẽ tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên được đưa ra nghiên cứu, tính toán phân kỳ đầu tư sớm nhất (ngay từ đầu những năm 2000), nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Ngoài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác, hiện mới chỉ có tuyến số 3 Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với giai đoạn 1 Nhổn - ga Hà Nội đang được thi công. Tuy nhiên, cũng giống như tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án này cũng chậm tiến độ và tăng vốn. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, được động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Song đến nay, tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên đáng kể so với dự kiến ban đầu.

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội diễn ra ngày 7-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31-12-2022, đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027. Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổng kết, đánh giá các dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông và Bến Thành - Suối Tiên (thành phố Hồ Chí Minh) để rút kinh nghiệm khi triển khai các dự án đường sắt đô thị khác.

Việc đánh giá, tổng kết các dự án đường sắt đô thị đã, đang triển khai là điều cần thiết để đẩy nhanh các dự án đường sắt đô thị vốn được kỳ vọng như “người hùng” vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc ở các thành phố lớn, trong bối cảnh hệ thống xe buýt đã “tới ngưỡng”.

Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2022, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt gồm 148 tuyến (trong đó có 126 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour), tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã, 510/579 xã, phường, thị trấn, 65/75 bệnh viện, 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, 27/27 khu công nghiệp lớn, 33/37 khu đô thị, 23/25 khu di tích lịch sử - văn hóa, khu du lịch...

Thế nhưng, dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân và chặng đường hoàn thành mục tiêu đáp ứng 25% nhu cầu vào năm 2030 được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn khi tình trạng ùn tắc diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, mạng lưới đường sắt đô thị được hoàn thiện sẽ giúp tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng lên mức 35% - 45%, góp phần đưa số người dùng phương tiện cá nhân xuống chỉ còn khoảng 30%. Điều này không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mà còn giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường ở thành phố. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án đường sắt đô thị.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

Tuyến số 1: Gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi - ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Toàn tuyến dài khoảng 36km, gồm 2 đề pô và 23 ga; đi trên cao, có xem xét phương án kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia.

Tuyến số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt, dài khoảng 42km, kết hợp đi trên cao với đi ngầm, gồm 2 đề pô và 32 ga.

Tuyến số 2A: Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông dài khoảng 14km, đi trên cao với 1 đề pô và 12 ga.

Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài khoảng 26km, kết hợp đi trên cao với đi ngầm, gồm 1 đề pô và 12 ga.

Tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Vành đai 2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà dài khoảng 54km, kết hợp đi trên cao với đi ngầm, gồm 2 đề pô và 41 ga.

Tuyến số 5: Đường Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc kết hợp đi trên cao với đi ngầm, dài khoảng 39km, gồm 2 đề pô và 17 ga.

Tuyến số 6: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi đi trên cao hoặc đi bằng, gồm 2 đề pô và 29 ga.

Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội, đi trên cao toàn bộ hoặc kết hợp đi ngầm với 1 đề pô và 23 ga.

Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá đi ngầm kết hợp với trên cao gồm 2 đề pô và 26 ga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ đợi ''người hùng'' đường sắt đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.