(HNM) - Bộ VH,TT&DL vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VH,TT&DL khẩn trương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý điểm đến triển khai xây dựng, nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn nhằm phục vụ khách du lịch.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2012 có ít nhất 50% số điểm du lịch và phấn đấu trong 2 năm 2013-2014, toàn bộ các điểm du lịch có nhà vệ sinh (NVS) đạt chuẩn. Hoạt động mang tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch này liệu có khả thi hay chỉ là mục tiêu… trên giấy?
Chuẩn hóa các nhà vệ sinh công cộng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam. Ảnh: Minh Nguyễn
WC - chuyện nhỏ, mà không nhỏ
Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi khởi động chương trình kích cầu du lịch mang tên "Việt Nam - điểm đến của bạn" vào đầu năm 2010, Tổng cục Du lịch đã đề ra phương châm "Ở đâu có du lịch - ở đó có NVS đạt chuẩn". Tuy nhiên, sau hai năm nhìn lại, thực trạng vừa thiếu, vừa "yếu" của những nơi giải quyết nhu cầu "không thể đừng" tại các điểm du lịch vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Từng có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn tour cho du khách nước ngoài, chị Nguyễn Ngọc, một hướng dẫn viên tại Hà Nội tâm sự, nhiều du khách ngưỡng mộ nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc cùng những danh lam, thắng cảnh đẹp và nổi tiếng của nước ta. Thế nhưng, có nhiều điều khiến các vị khách nước ngoài cảm thấy không thoải mái, trong đó có chuyện "nhỏ", nghe như đùa, đó là cái sự "bẩn… không giống bất cứ đâu" của hệ thống NVS tại các điểm đến. Vì vậy, hướng dẫn viên thường khuyên họ nên đi vệ sinh ngay tại khách sạn trước khi bắt đầu chuyến hành trình. "Chuyện WC tưởng như rất nhỏ nhưng trên thực tế lại không hề nhỏ. Với khách du lịch, họ luôn quan tâm đến chất lượng vệ sinh tại điểm đến, NVS nhếch nhác đã làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng của điểm đến đó và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của du lịch Việt Nam", chị Nguyễn Ngọc nói.
Ngay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều địa phương đã mở màn mùa du lịch hè 2012 bằng hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ. Dù đã dự trù số lượng du khách đổ về trong thời điểm diễn ra lễ hội, tính toán phương án phục vụ nhưng ở nhiều nơi, BTC đã bỏ qua, hoặc giả là ít chú ý đến dịch vụ phục vụ nhu cầu tối thiểu của khách. Ở những nơi ấy, tìm một NVS tươm tất còn khó, nói gì đến NVS đạt chuẩn theo tiêu chí mà ngành du lịch đề ra. Theo các hãng lữ hành và du khách, tại các điểm du lịch "hot" như Sầm Sơn, Cửa Lò, Tuần Châu, Yên Tử, chùa Hương… phong trào "Ở đâu có du lịch - ở đó có NVS đạt chuẩn" do Tổng cục Du lịch phát động vẫn chưa được "phủ sóng". Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Stanley kể, trong khuôn khổ Tuần Du lịch Hạ Long 2012 vừa diễn ra tại Quảng Ninh, anh đưa gia đình đến Tuần Châu. Thật đáng buồn khi NVS bên ngoài cổng khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế này lại quá chật chội, ẩm ướt và bẩn thỉu. Thậm chí, vòi xả nước ở các buồng vệ sinh cũng bị hỏng, khiến nhiều du khách phải đi vệ sinh ngay ở lối đi - điều không thể tồi tệ hơn cho mục tiêu quảng bá hình ảnh điểm đến.
Trông người lại ngẫm đến ta
Theo đại diện các hãng lữ hành, tại các nước "láng giềng" như Campuchia, Singapore, Thái Lan... vấn đề xây dựng NVS để phục vụ du khách được đặc biệt quan tâm. Ở bất kỳ đâu, từ điểm du lịch, khu vui chơi đến siêu thị, cửa hàng, trạm xăng… cũng thấy có NVS sạch, đẹp, rộng rãi, thoáng, có cả lối đi và cabin dành riêng cho người khuyết tật. Sự tinh tươm được giữ ngay cả khi điểm đến vào mùa du lịch, đông khách.
Tại khu đền Angkor - Campuchia, nơi tình hình kinh tế còn khó khăn, mỗi ngôi đền đều có NVS sạch sẽ được thiết kế theo kiểu truyền thống, mái ngói, cột gỗ, có lối đi và cabin cho người khuyết tật. Thậm chí, nhà hàng Tamnanpar (thuộc tỉnh Rayong, cách Thủ đô Bangkok - Thái Lan 179km về phía đông nam) có NVS được bình chọn, gắn biển "World Toilet Champions" (NVS đẹp nhất thế giới), đẹp đến mức du khách đến đây phải nán lại để chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Trước năm 2006, Malaysia từng "nổi tiếng" với một hệ thống NVS công cộng nhếch nhác. Thế nhưng, từ khi Chính phủ Malaysia phát động chiến dịch làm sạch NVS, du khách đến đây đã thực sự ấn tượng trước những khu vệ sinh rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và luôn có nhân viên túc trực để dọn dẹp…
Tiếc là du lịch Việt Nam chưa được như thế. "Nỗi kinh hoàng từ NVS công cộng" vẫn là nỗi ám ảnh du khách từ lâu và đã đến lúc cần sự vào cuộc nghiêm túc của các ngành, các cấp để cải thiện tình hình. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tại nhiều điểm du lịch trên cả nước, công trình vệ sinh công cộng chưa bảo đảm điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Hiện Tổng cục Du lịch đã xây dựng dự thảo quy định tạm thời về NVS du lịch đạt chuẩn, tham khảo hướng dẫn của Ban Thư ký ASEAN, Bộ Tiêu chuẩn NVS do Bộ Xây dựng và Bộ Y tế ban hành. Bộ VH,TT&DL sẽ chỉ đạo Sở VH,TT&DL phối hợp các cơ quan chức năng địa phương, dành nguồn kinh phí nâng cấp các NVS du lịch đạt chuẩn.
Dẫu muộn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy ngành du lịch đã quan tâm hơn đến việc tìm lời giải cho bài toán "công trình phụ" trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến nói chung. Vấn đề là các địa phương sẽ vào cuộc thế nào?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.