(HNM) - Từ ngày 4-7, Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có hiệu lực.
Với phương án mà Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 58/NQ-CP, một số thủ tục hành chính hầu hết người dân đã từng thực hiện ít nhất một lần trong đời sẽ bị bãi bỏ. Điển hình là bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn, bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trong thủ tục đăng ký khai sinh cho con (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn).
Đáng chú ý hơn, Chính phủ quyết định, bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú và giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin trong 19 mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch theo hướng: Chỉ yêu cầu cung cấp họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
Trong lĩnh vực quốc tịch, sẽ bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài. Đối với người xin thôi Quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước, không yêu cầu nộp các giấy tờ như bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh có Quốc tịch Việt Nam. Khi yêu cầu xin cấp xác nhận là người gốc Việt Nam, không cần xuất trình các giấy tờ chứng thực đã từng có Quốc tịch Việt Nam. Đối với hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi, bỏ biên bản xác nhận do UBND hoặc công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập; bỏ giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ đã chết đối với trẻ mồ côi...
Đón nhận thông tin này, bà Nguyễn Thu Huyền (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) rất phấn khởi và cho rằng hướng đơn giản hóa trên cần được áp dụng ngay. Đây là minh chứng rõ nét của việc đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, để thực hiện được việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các thủ tục hành chính theo phương án trên phải có lộ trình, bước đi phù hợp chứ không thực hiện được ngay khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 4-7-2017). Nói cách khác, Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ là định hướng triển khai công việc. Bộ Tư pháp đã đề nghị các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để trao đổi, cung cấp thông tin đúng đắn nhất, giúp người dân hiểu rõ vấn đề.
Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, điều kiện tiên quyết để thực hiện phương án trong Nghị quyết 58/NQ-CP là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được hoàn thiện, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (dự kiến chậm nhất đến ngày 1-1-2020, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an soạn thảo mới hoàn thành). Nếu thông tin của người dân được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu thì khi làm thủ tục, công dân sẽ không cần xuất trình giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... Các đơn vị chuyên môn chỉ cần tra cứu là có thể xử lý nhiều hồ sơ liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng khẳng định, về nguyên tắc, thời điểm này chưa áp dụng Nghị quyết 58/NQ-CP. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Điều 2 của Nghị quyết giao Bộ Tư pháp trên cơ sở phương án đã được Chính phủ thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có chứa các thủ tục.
“Đây là việc đem lại lợi ích vô cùng lớn cho người dân. Bộ Tư pháp sẽ cố gắng hết sức, chủ động làm, không cần văn bản đôn đốc hoặc văn bản về mặt hành chính nào của cấp trên xuống” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.