(HNM) - Hà Nội có khoảng 90.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có gần 20.000 người trong độ tuổi lao động và hầu hết thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Dạy nghề và giải quyết việc làm là cách tốt nhất giúp NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Trung tâm dạy nghề nhân đạo "Vì ngày mai" có trụ sở tại xã Cổ Nhuế (Từ Liêm) là địa chỉ tin cậy của NKT trên địa bàn thành phố từ nhiều năm nay bởi tại đây nhiều NKT đã trưởng thành, làm chủ cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội. Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc trung tâm cho biết: "Bản thân tôi cũng là NKT nên tôi hiểu mất mát mà những NKT gặp phải. Với suy nghĩ không chỉ tạo cho mình cuộc sống ổn định mà còn phải giúp nhiều người có hoàn cảnh giống mình vươn lên làm chủ cuộc đời nên sau khi nghỉ hưu (năm 2002) tôi đã thành lập nên Trung tâm dạy nghề nhân đạo "Vì ngày mai". Hiện tại trung tâm đang đào tạo nghề cho khoảng 60 học viên. Sau 1 năm học nghề, học viên sẽ tham gia vào tổ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để nuôi sống bản thân và gây dựng cuộc sống". Từ trung tâm đã có hàng trăm bạn trẻ trưởng thành, nhiều người trong số họ đã tách ra làm riêng và gây dựng được thương hiệu cho mình như: Đặng Trần Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ "Người điếc 5 màu"; Nguyễn Thu Hương nổi tiếng với thương hiệu đồ hand made Thương Thương…
Cùng với Trung tâm dạy nghề nhân đạo "Vì ngày mai", trên địa bàn Hà Nội còn nhiều cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho NKT có uy tín khác như Công ty TNHH Hồng Hà (xã Yên Sở, Hoài Đức). Từ năm 2005 đến nay, Công ty TNHH Hồng Hà dạy nghề miễn phí cho khoảng 100 NKT ở Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 2,5-3,3 triệu đồng/người/tháng…
Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT TP Hà Nội cho biết: "Xác định tạo việc làm cho NKT là cách giúp họ có "cần câu" để tự vươn lên trong cuộc sống nên cùng với việc dạy nghề và tạo việc làm, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã dành 13 tỷ đồng để giúp NKT vay vốn phát triển kinh tế. Theo thống kê, trong năm 2012 đã có 263 lượt NKT được vay vốn. Với phương pháp này, đến nay đã có khoảng 11.000 NKT có việc làm ổn định". Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng công tác tạo việc làm cho NKT hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi việc làm dành cho NKT chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn và cách nhìn nhận của doanh nghiệp đối với NKT chưa tích cực. Ngoài ra, NKT bị hạn chế cơ hội nâng cao trình độ, dẫn đến việc cạnh tranh nghề nghiệp không thuận lợi.
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), NKT có khả năng tiếp cận công việc chủ yếu thuộc nhóm NKT vận động, khiếm thị, khiếm thính và các doanh nghiệp chủ yếu tuyển NKT vào các công việc ít vận động như: Thiết kế website, kế toán, thợ may…
Hướng về NKT, từ năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện dự án "Mô hình phục hồi chức năng cho NKT, giai đoạn 2012-2014". Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, thực hiện dự án, trung tâm đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm lồng ghép cho NKT. Hiện nay có 55 đơn vị gồm: 5 trung tâm phục hồi chức năng; 11 trường nghề, trung tâm đào tạo nghề; 39 doanh nghiệp đăng ký tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho NKT vào các vị trí: Nhân viên văn phòng, thợ may, thợ thủ công mỹ nghệ, xoa bóp bấm huyệt… với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong số gần 400 hồ sơ của NKT đăng ký tìm việc làm, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 249 người, trong đó 124 người có việc làm ổn định, 48 người được giới thiệu học nghề.
Hà Nội đang hướng mục tiêu đến năm 2015 có 60% NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; đến năm 2020 con số NKT được học nghề và tạo việc làm là 100%; tất cả NKT còn khả năng lao động, có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn quỹ khác để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, thành phố cũng phấn đấu có 70% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, thời gian tới, mỗi năm thành phố dự kiến dành 2-3 tỷ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và giải quyết việc làm để tổ chức dạy nghề miễn phí cho NKT có nhu cầu và có khả năng học nghề… Tin tưởng rằng, cùng với chính sách phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời động viên cả cộng đồng cùng tham gia giúp NKT còn khả năng lao động phát huy tối đa năng lực của mình để vươn lên ổn định cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.