(HNMCT) - Cuối tuần qua, Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2020 (viết tắt là Hội sách) với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”, dưới sự chỉ đạo tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã khai mạc tại sàn Book365.vn. Diễn ra trong 1 tháng (tới ngày 20-5), hoạt động này là sự kiện mang ý nghĩa chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-4), phục vụ nhu cầu đọc của người dân trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Với ngành Xuất bản, có lẽ Hội sách mang ý nghĩa rộng hơn, liên quan tới hướng phát triển trong dài hạn khi yếu tố công nghệ ngày càng thể hiện sức ảnh hưởng lớn hơn đối với đời sống xuất bản, mối liên kết tác giả - tác phẩm - bạn đọc. Được thực hiện dưới sự bảo trợ của các cơ quan quản lý hoạt động thông tin, truyền thông, xuất bản, có sự tham gia của các đơn vị xuất bản, phát hành uy tín, Hội sách được coi là bài test về khả năng thu hút bạn đọc đến với những kênh phát hành sách online “đáng tin” so với một số sàn mua sắm trên mạng cũng như những địa chỉ Facebook, Instagram... chuyên cung cấp sách vốn tiềm ẩn khả năng bán sách in lậu, sách không có bản quyền, thậm chí là sách không được phép lưu hành.
Các đơn vị xuất bản, phát hành nên coi việc tham gia sự kiện này là cơ hội tích lũy, bổ sung kinh nghiệm xây dựng kênh quảng bá, bán sách online; xây dựng mối liên kết với độc giả, tìm hiểu nhu cầu và thói quen mua sắm của họ... Đó là cách ứng xử đúng đắn, cần thiết cho việc hoạch định chiến lược phát triển cả trong hiện tại và tương lai, khi hoạt động xuất bản, phát hành trực tuyến là xu thế tất yếu, ngày càng thịnh hành ở trong nước và trên thế giới.
Hiện nay, số lượng sách bình quân mà một người Việt Nam đọc trong một năm thuộc nhóm thấp của thế giới. Người đọc Việt Nam đa số quen với cách mua sách truyền thống, tức là đến các hiệu sách và trực tiếp lựa chọn. Cách này giúp bạn đọc tìm được loại sách mình cần, giảm nguy cơ mua phải sách lậu nhưng cũng có mặt hạn chế khi cuộc sống bận rộn không cho phép nhiều người thường xuyên lui tới các hiệu sách. Trong điều kiện đó, mua sách online là giải pháp được lựa chọn, là sự bổ sung hợp lý vào “khoảng trống” mà cách phát hành truyền thống để lộ ra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề không đơn giản. Hơn 30 địa chỉ giao dịch trên mạng có liên quan đến việc bán sách lậu đã được đề cập vào năm 2019, chưa kể rất nhiều người hằng ngày đăng tin bán sách qua trang cá nhân trên mạng xã hội mà người mua thường chỉ biết chất lượng sách tốt hay không khi giao dịch đã hoàn thành... Cũng vào năm ngoái, đại diện một số đơn vị làm sách đã thể hiện sự lùi bước trên thị trường sách trực tuyến sau khi cảm thấy việc theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bản quyền hoặc tố giác các địa chỉ bán sách lậu trên mạng không đạt được hiệu quả. Hành động đó không khác nào sự buông bỏ một “trận địa” vốn phải là nơi các đơn vị chính thống phát huy tầm ảnh hưởng, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, học tập lành mạnh của bạn đọc.
Với những gì đã và đang diễn ra, các đơn vị xuất bản, phát hành cần giữ thế chủ động, tạo ảnh hưởng lớn hơn trong thị trường sách online mà Hội sách là dịp thích hợp để các đơn vị này “xốc lại đội hình”. Thực tế cũng cho thấy bạn đọc cần một cách ứng xử thông minh, “kỹ tính” hơn khi tham gia mua sách online. Cách ứng xử phù hợp nhất là hướng đến những địa chỉ cung cấp sách trực tuyến thực sự có uy tín; không lấy giá cả làm thước đo duy nhất mà cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sách và tính hợp pháp của ấn phẩm.
Trong tương lai, hình thức hội sách trực tuyến, các hoạt động quảng bá sách, dịch vụ bán sách online sẽ còn tiếp tục được tổ chức. Việc tham gia vào các hoạt động này một cách chủ động, tích cực sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn đầy đủ hơn về thị trường sách trực tuyến, qua đó chọn cho mình cách tiếp cận thị trường an toàn hơn, có ích hơn, góp phần xây dựng văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích.
Hội sách 2020, vì thế, không chỉ là hoạt động phù hợp với khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, mà còn góp phần hỗ trợ hoạt động của các đơn vị xuất bản, phát hành trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.