Thay vì sử dụng tranh vẽ, hình ảnh dán tường để con nhỏ dưới 5 tuổi nhận biết thế giới tự nhiên, xã hội, hiện rất nhiều gia đình đã sắm máy tính bảng để cài phần mềm giáo dục hỗ trợ việc dạy học cho con.
Kho tri thức miễn phí cho trẻ
“Chả là con nhà mình năm nay vào lớp 1 mà mình thấy các cháu đi học phải vác cái cặp với đống sách giáo khoa quá nặng lên mình muốn con mình dùng tab (PV- máy tính bảng Galaxy tab) đi học.” – Một phụ huynh tâm sự trên diễn đàn công nghệ tinhte.vn. Dù mới ra đời không lâu nhưng máy tính bảng đã trở thành tâm điểm của thị trường công nghệ. Đáng chú ý, hiện có rất nhiều phụ huynh đã sắm máy tính bảng để hỗ trợ cho việc dạy học cho con nhỏ từ 2 – 8 tuổi. Theo anh Trung, chuyên viên kỹ thuật của FPTSoft thì nhiều gia đình hiện rất thích sử dụng máy tính bảng chạy hệ điều hành Android bởi việc cài đặt phần mềm dễ dàng, kho phần mềm miễn phí lớn chứ không rắc rối.
Mặt khác, trên thị trường Việt Nam hiện nay, máy tính bảng đang ngày càng trở nên phổ biến về chủng loại, mẫu mã, đồng thời giá thành cũng liên tục “hạ nhiệt” với những loại giá trên chục triệu như iPad 2, The new iPad, Samsung Galaxy Tab…, hay nhiều loại giá rẻ (từ 1,8 triệu đồng) phù hợp với số đông người tiêu dùng như sản phẩm của PI Việt Nam.
Đang dùng máy tính bảng PI E002 được hơn 3 tháng nay, chị Hòa, nhân viên một trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM chia sẻ: “Với kho ứng dụng Android miễn phí, chỉ mất vài phút tìm kiếm là tôi đã tìm được nhiều phần mềm hữu ích để dạy cô công chúa mới 3 tuổi nhận biết kiến thức tự nhiên. Từ một người không biết gì về công nghệ, giờ vì con tôi đã có thể cài đặt hoặc gỡ bỏ phần mềm nhanh chóng”.
Máy tính bảng không chỉ thu hút người lớn mà còn được trẻ em yêu thích với nhiều ứng dụng thú vị dành cho việc học tập và giải trí của bé.
Cùng quan điểm với chị Hòa, nhiều phụ huynh đang sử dụng máy tính bảng hỗ trợ dạy học cho trẻ cũng nhận định hiện nay có rất nhiều phần mềm dành cho trẻ. Có thể kể đến “Baby Learn Animal” (trên màn hình có hình con vật, nếu chọn đúng, phần mềm sẽ phát ra âm thanh nói “Đúng rồi” bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc Pháp; hoặc nói “Sai rồi” cho đến khi nào bé chọn đúng mới chuyển sang hình ảnh khác); phần mềm “Touch Sound” (trên màn hình hiển thị các loại xe ô tô, tàu thủy, tàu hỏa, máy bay…, khi chạm vào màn hình, các loại phương tiện sẽ phát ra âm thanh để bé nhận diện...
Ứng dụng học chữ cái với màu sắc, âm thanh sống động có thể cài đặt trên máy tính bảng giúp bé tiếp thu hào hứng hơn sách ảnh thông thường.
Ngoài ra, đó còn là phần mềm “AniWorld Lite” - ứng dụng dạy cho trẻ em tên các loài động vật khác nhau; hay “Numbers Baby Flash” giúp bé nhận biết con số từ 0-10 thông qua những ký tự ngộ nghĩnh, hình ảnh vui nhộn, rồi luyện đọc bằng tiếng Anh…
Chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại phố Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết kể từ khi sắm cho con chiếc máy tính bảng có giá chỉ hơn 2 triệu đồng PI E002 8Gb tại cửa hàng Thế giới di động, việc tiếp thu kiến thức của con chị đã nhanh hơn hẳn.
“Nhìn các hình ảnh trong máy tính bảng sinh động, cu Tũn hơn 2 tuổi nhà tôi rất thích thú. Với phần mềm như Baby Learn Animal, chỉ sau vài ba lần học cu cậu đã nhớ tới trên 20 loại động vật, phân biệt cả hai con… “na ná” nhau là con hổ và con mèo (trước đó cậu hay nhầm). Khi đến lớp, cô giáo đố hình gì cậu cũng cứ đọc vanh vách trong khi hầu hết các bạn khác còn lúng túng”, chị Thu chia sẻ.
Máy tính bảng là phương tiện hỗ trợ giáo dục
Trong thực tế, dù tiện lợi tuy nhiên hiện cũng không ít gia đình có ý định sắm máy tính bảng lo lắng đến chuyện: Liệu cho con tiếp xúc quá sớm có bị giảm thị lực, rồi ham chơi game hơn học… hay không?
Về vấn đề này, nhiều phụ huynh đang sử dụng máy tính bảng để hỗ trợ con nhỏ học bài cho biết trước kia đó cũng là một nỗi lo vợ chồng họ gặp phải, thậm chí là “gây tranh cãi dài ngày”. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận vấn đề rõ ràng thì vẫn quyết định sắm về.
Chị Thu phân tích, đó là do hầu hết các gia đình chưa biết cách sử dụng khoa học, thường “dễ dãi” trong việc để cho con nhỏ “ôm” máy tính bảng cả giờ đồng hồ, con chơi game hay học bài cũng không biết để bố mẹ rảnh tay làm công việc gia đình. Như thế rất tai hại. “Còn nhà tôi, việc sử dụng được áp dụng “kỷ luật thép”: mỗi tối chỉ có 30 phút dùng để học bài. Thời gian đầu, thấy mẹ cất đi cu cậu khóc đòi nằng nặc. Nhưng chỉ sau vài ngày bố mẹ “cứng rắn”, cậu không còn đòi chơi thêm nữa và đến nay thì mỗi khi mẹ bảo “hết giờ” là ngoan ngoãn cất máy giúp mẹ”, chị Thu chia sẻ.
Máy tính bảng PI E003 được nhiều bậc phụ huynh chọn mua cho bé,
do giá cả hợp lý và trọng lượng rất nhẹ.
Cùng đó, nhiều bậc cha mẹ đang là thành viên của một số diễn đàn như lamchame.com, mevabe.vn, meyeucon.org… tại Hà Nội, TP.HCM cũng cho rằng họ không mua loại đắt tiền, mà chỉ chọn máy giá rẻ do vẫn đáp ứng được nhu cầu, khả năng kinh tế cũng như hạn chế “rủi ro” nếu bị con nhỏ làm hỏng.
“Tôi mua cho cậu con trai 4 tuổi chiếc máy như PI N003 được tích hợp khe cắm thẻ Sim 3G mà giá cũng chỉ hơn 3 triệu đồng. Màn hình cảm ứng như chiếc máy tính bảng nhà tôi đang dùng cũng rất nhạy, chạy nhanh chứ không kém loại giá cao như nhiều người lầm tưởng”, chị Hà (trú tại Khu đô thị Định Công, Hà Nội) nói.
Cũng giống như bất cứ một sản phẩm công nghệ nào, máy tính bảng cũng đều có 2 mặt lợi và hại. Các bậc phụ huynh nên áp dụng việc sử dụng hợp lý cho con trẻ để biến mặt hại thành mặt có lợi, giúp trẻ có thể tiếp cận được những tri thức thú vị dưới hình thức mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.