(HNM) - Cuộc biểu tình đường phố của hàng chục nghìn người kéo dài suốt nửa tháng qua tại thủ đô Bangkok vừa khép lại bằng
Cuộc đối đầu không khoan nhượng đã kết thúc sau khi Thủ tướng Yingluck tuyên bố giải tán Hạ viện nhằm mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2-2-2014.
Những người biểu tình tại Bangkok sẽ chấm dứt khi nào là điều không ai dám chắc. |
Thế nhưng, đây có phải là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng trên chính trường đất nước Chùa vàng hay không là điều không ai dám chắc chắn. Ngay sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej chính thức phê chuẩn đề xuất giải tán Hạ viện, sáng 10-12 thủ lĩnh biểu tình Suthep tiếp tục yêu cầu Thủ tướng Yingluck cũng như các bộ trưởng nội các từ chức trong vòng 24 giờ, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình thêm 3 ngày nữa. Như vậy, có thể thấy, phe đối lập chưa hài lòng với quyết định giải tán Quốc hội và chưa từ bỏ mục tiêu buộc chính phủ đương nhiệm phải ra đi. Trong khi căng thẳng do những cuộc biểu tình đường phố tiếp tục leo thang, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) đối lập Abhisit Vejjajiva đã gia tăng sức ép đối với Chính phủ bằng việc tuyên bố toàn bộ 152 nghị sỹ của đảng này từ chức để tham gia biểu tình. Năm 2005, DP đã từng có động thái tương tự khi tẩy chay một cuộc bầu cử khiến tranh cãi chính trị càng trở nên gay gắt. Ngay sau đó, một cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào năm 2006 bất chấp các tuyên bố cam kết duy trì dân chủ và hệ thống nghị viện của cựu Thủ tướng Thaksin.
Trước đó, những diễn biến bất ngờ vào ngày 4-12 khi những người biểu tình đột ngột thay đổi thái độ sau nhiều ngày đối đầu với chính phủ để đón mừng sinh nhật lần thứ 86 của Nhà vua Bhumibol Adulyadej hôm 5-12 đã khiến dư luận vui mừng và nghĩ tới một giải pháp chính trị. Tinh thần dân tộc và tình cảm sùng kính dành cho Nhà vua tưởng chừng đã kéo những con người ở hai "chiến tuyến" xích lại gần nhau. Tuy nhiên, niềm vui ấy kéo dài không được bao lâu. "Trận quyết chiến" hôm 9-12 mà sau đó Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã "lùi thêm một bước" có lẽ vẫn chưa là hiệp đấu cuối. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng phe đối lập Thái Lan đang "chơi lại nước cờ cũ" khi sức mạnh đường phố đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự can thiệp của quân đội để diễn ra đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin 7 năm về trước. Trong bối cảnh đó, quân đội có vai trò chính trị đặc biệt quan trọng. Mặc dù đến thời điểm này, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ đứng ngoài "cuộc đối đầu". Và có một thực tế là, cuộc đảo chính năm 2006 đã mở đầu cho một giai đoạn bất ổn dai dẳng tại Thái Lan. Tuy nhiên, tương lai của chính quyền của Thủ tướng Yingluck thế nào vẫn là một ẩn số.
Có những e ngại rằng một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn chưa hẳn là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Bởi lẽ với sự ủng hộ rộng rãi của đa số người dân tại các vùng nông thôn miền bắc và đông bắc nhưng cũng là khu vực nghèo nhất Thái Lan, bà Yingluck vẫn sẽ là ứng cử viên thủ tướng của đảng Vì nước Thái (Puea Thai) giành chiến thắng trong sự kiện tháng 2 tới. Trong khi đó, yêu cầu của người biểu tình - phần lớn đến từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Bangkok, những công chức, doanh nghiệp lớn và những người từ miền nam - là loại bỏ cái họ gọi là "chế độ Thaksin" để lập nên một chính phủ mới không qua bầu cử.
Ghi nhận của báo chí Thái Lan 24 giờ qua cho thấy căng thẳng đã tạm lắng khi nhiều người biểu tình rời thủ đô Bangkok. Trong một tuyên bố mới nhất ngày 10-12, Thủ tướng Yingluck tiếp tục khẳng định sẽ không từ chức trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới bất chấp tối hậu thư của phe đối lập. Chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu trong những ngày tới cũng như sau cuộc tổng tuyển cử vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Song, có điều chắc chắn là dù bất kỳ lực lượng nào nắm quyền thì ưu tiên hàng đầu vẫn là sự ổn định của đất nước và cuộc sống bình yên cho người dân. Đây cũng là niềm mong mỏi của không chỉ 66 triệu người dân Thái Lan mà cũng là mong muốn của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.