(HNM) - Thượng viện Thái Lan đã bác bỏ Dự luật Ân xá gây nhiều tranh cãi theo đề xuất đảng cầm quyền Vì nước Thái (Puea Thai).
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi 24 giờ qua, có thêm một số trụ sở chính quyền ở thủ đô Bangkok bị những người biểu tình chiếm giữ trong nỗ lực lật đổ Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Làn sóng biểu tình đang lan rộng tại thủ đô Bangkok. |
Làn sóng biểu tình có quy mô lớn nhất từ năm 2010 đến nay được châm ngòi từ sự kiện chính phủ tìm cách đưa trở lại Dự luật Ân xá. Đây là quyết định mà đảng Dân chủ đối lập (DP) cho là nỗ lực lớn của nữ Thủ tướng Yingluck nhằm "rửa sạch tội lỗi" cho cựu Thủ tướng Thaksin anh trai của bà - để đưa cựu chính trị gia lưu vong này trở về nước. Căng thẳng đã tạm lắng dịu sau khi Thượng viện Thái Lan (ngày 11-11) tuyên bố bác bỏ dự luật gây tranh cãi trên. Tuy nhiên, một phán quyết ngày 20-11 của Tòa án Hiến pháp Thái Lan về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như "đổ thêm dầu vào lửa", làm bùng lên làn sóng biểu tình vốn âm ỉ thời gian qua. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bác bỏ Dự luật sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai cầm quyền đề xuất. Theo đó, tất cả thượng nghị sĩ phải do dân bầu ra. Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành quy định chỉ một nửa số thượng nghị sĩ do dân lựa chọn và nửa còn lại do lãnh đạo các cơ quan độc lập bổ nhiệm.
Ngay sau khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết trên, Puea Thai cho biết sẽ thảo luận với các đối tác trong liên minh cầm quyền, đồng thời nhấn mạnh có thể khởi kiện các thẩm phán vì đã can thiệp vào công việc của ngành lập pháp. Puea Thai cầm quyền khẳng định hành động này như một cuộc đảo chính tư pháp, phản bội lòng tin của nhân dân.
Nguyên nhân gây ra các cuộc tranh cãi trên chính trường và khiến dòng người liên tục đổ ra các đường phố là việc DP đối lập do cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đứng đầu yêu cầu Thủ tướng Yingluck phải từ chức vì đã ủng hộ Puea Thai đề xuất một dự luật vi hiến. Trên thực tế, bà Yingluck là người đã đệ trình Dự luật sửa đổi Hiến pháp trên để yêu cầu sự phê chuẩn của Nhà vua. Vì thế, DP đối lập còn đưa ra yêu cầu luận tội hơn 300 nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi này tại Hạ viện, bất chấp phán quyết của tòa án nói rằng hành động ủng hộ của các nghị sĩ không vi phạm hiến pháp.
Hơn hai năm kể từ khi lên nắm quyền tháng 8-2011, đây được xem là thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất mà chính phủ của Thủ tướng Yingluck phải đối mặt. Bất chấp việc Thủ tướng Yingluck đã ban bố Luật An ninh nội địa tại Bangkok và một số khu vực xung quanh từ 48 giờ qua sau khi người biểu tình xông vào trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao (ngày 25-11), tình hình chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mọi sự càng trở nên rối ren khi những người "áo đỏ" xuống đường tuần hành để ủng hộ chính phủ, trong khi đó, phong trào thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban lại kêu gọi người dân tiếp tục đứng lên giành quyền lực, thay đổi đất nước và phá hủy cái mà ông gọi là "chế độ Thaksin" bằng việc chiếm các tòa nhà chính phủ như họ từng làm tại Bộ Tài chính.
Khẳng định chính phủ sẽ không sử dụng bạo lực để đàn áp biểu tình, không giải tán quốc hội và không từ chức, trong một tuyên bố mới nhất trên truyền hình, Thủ tướng Yingluck kêu gọi người biểu tình chấm dứt các cuộc tuần hành và chiếm trụ sở cơ quan nhà nước, đồng thời nhấn mạnh người dân phải tuân thủ luật pháp. Theo Luật An ninh nội địa, cảnh sát có quyền phong tỏa đường phố, ban bố lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập đông người và tiến hành khám xét trong trường hợp cần thiết. Tất nhiên, giải pháp tình thế trên không thể giải quyết triệt để tình trạng bất ổn có chiều hướng lan rộng tại Thái Lan hiện nay. Con đường duy nhất giúp khôi phục ổn định tại quốc gia Đông Nam Á là tìm sự đồng thuận thông qua đối thoại hòa giải trên cơ sở dân chủ và tôn trọng luật pháp. Nhưng để có được sự hàn gắn đó sẽ là một hành trình rất dài và đầy gian nan.
Thông qua lệnh bắt giữ thủ lĩnh phong trào biểu tình Tối 26-11, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh các cuộc biểu tình chiếm trụ sở các bộ, ngành trong nỗ lực đòi lật đổ chính phủ hiện nay. Đại tá Sunthorn Kongklam, đồn cảnh sát Bang Sue, thủ đô Bangkok, cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị một lệnh bắt giữ đối với ông Suthep và Tòa án Hình sự vừa chấp thuận đề nghị đó. Tôi yêu cầu ông ta đầu hàng, nếu không cảnh sát có thể bắt giữ ông ta ngay tại chỗ". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.