(HNM) - Chỉ còn hơn 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Romania để tìm người thay thế ông Traian Basescu (đã đảm nhiệm vị trí này 2 nhiệm kỳ liên tiếp). Theo Hiến pháp, Tổng thống T.Basescu sẽ không tham gia tranh cử lần này nhưng như vậy không có nghĩa là những ngày tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông sẽ êm đẹp.
Tổng thống Romania T.Basescu lại đứng trước áp lực phải từ chức. |
Ngày 25-6, Quốc hội Romania đã yêu cầu Tổng thống T.Basescu từ chức, sau khi anh trai của ông là doanh nhân Mircea Basescu bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ 250.000 euro (340.800 USD) để giúp giảm án tù cho trùm xã hội đen Sandu Anghel. Yêu cầu của Quốc hội, vốn không mang tính bắt buộc, được thông qua với 344 phiếu thuận và 17 phiếu trắng, trong khi hai đảng trung hữu đối lập từ chối tham gia biểu quyết. Nhưng, động thái trên - được đưa ra tiếp sau đơn kiến nghị của Thủ tướng Victor Ponta yêu cầu ông M.Basescu từ chức - cho thấy sự chia rẽ giữa liên minh cầm quyền với Tổng thống vẫn chưa có hồi kết cho dù Tổng thống T.Basescu chỉ còn tại nhiệm hơn 100 ngày nữa.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống T.Basescu được đề nghị rời khỏi chiếc ghế quyền lực. Cách đây 2 năm, Liên minh Xã hội Tự do (SLU) do Thủ tướng V.Ponta đứng đầu cũng đã lập kế hoạch phế truất Tổng thống T.Basescu thông qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội mà dư luận Romania từng ví như một "cuộc đảo chính nghị trường". Ngay sau đó, cuộc trưng cầu dân ý luận tội ông T.Basescu đã diễn ra với kết quả 88% số cử tri tham gia ủng hộ việc yêu cầu người đứng đầu Nhà nước từ bỏ chức vụ. Thế nhưng, lúc đó Tòa án Hiến pháp Romania đã ra quyết định không công nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân này do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu không vượt mức quá bán (50%+1) để có giá trị theo luật định.
Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" kéo dài trên chính trường Romania đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình cải cách của quốc gia Đông - Nam Âu. Trong báo cáo về tiến trình thực thi luật pháp và chống tham nhũng tại Romania, Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng, tuy đạt được một số tiến bộ nhất định, song quốc gia nghèo thứ hai Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa hoàn chỉnh hệ thống tư pháp. Bê bối tham nhũng đã khiến Romania nhiều lần "mất mặt" trên trường quốc tế và trở thành một căn bệnh trầm kha. Điển hình nhất là vụ việc đầu năm nay, cựu Thủ tướng Adrian Nastase đã bị kết án 4 năm tù giam do nhận hối lộ hàng trăm nghìn đô la Mỹ từ một nữ doanh nhân để bổ nhiệm bà này vào một vị trí cấp cao trong chính phủ. Đây là nhân vật lãnh đạo đầu tiên của Romania phải thi hành án tù vì tội tham nhũng kể từ năm 1990 đến nay.
Có thể thấy sau 5 năm gia nhập EU, Romania đã không ngăn chặn được tình trạng tham nhũng và xung đột lợi ích nở rộ. Vì thế, những cải cách trong khu vực kinh tế nhà nước đã không đạt được thành công đáng kể cho dù nước này có vị trí địa - chiến lược thuận lợi bên Biển Đen với nguồn nhân công dồi dào. Cũng vì những quan ngại gian lận, tham nhũng nên EC đã buộc phải ngừng toàn bộ các khoản viện trợ phát triển mới - các chương trình nhằm phát triển kinh tế, vùng miền và hệ thống giao thông - cho chính phủ nước này. Đáng nói là, sự bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân đẩy Romania đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế mà còn khiến quốc gia này thêm một lần nữa lỡ hẹn với chuyến tàu "Schengen" vì "con đường chính trị đáng ngờ vực".
Trên thực tế, Tổng thống T.Basescu không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước pháp luật về hành vi của người anh trai nên theo các nhà phân tích, việc yêu cầu ông từ chức chỉ là một động thái của Thủ tướng V.Ponta khiến Tổng thống T.Basescu mất tín nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những gì Thủ tướng V.Ponta đã làm có thể sẽ gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tới uy tín của người đứng đầu nội các đương nhiệm khi ông cũng là ứng viên tham gia tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, nhất là khi năng lực chèo lái con tàu kinh tế Romania và kêu gọi đoàn kết nội bộ trong thời gian qua của nhà lãnh đạo 42 tuổi này đang bị ngờ vực. Điều này dự báo cuộc vật lộn tìm kiếm chân trời mới của quốc gia Đông - Nam Âu này càng thêm khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.