(HNM) - Những bất ổn trên chính trường đang đẩy Italia đến gần hơn một cuộc khủng hoảng kép, đe dọa nghiêm trọng quá trình hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu...
Sau khi đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi quyết định rút 5 Bộ trưởng khỏi Chính phủ liên minh với đảng Dân chủ (PD), Tổng thống Italia Giorgio Napolitano và Thủ tướng Enrico Letta đã có cuộc gặp khẩn cấp nhằm đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng chính trị, nhưng khả năng Italia phải tiến hành một cuộc bầu cử mới là rất lớn.
Ông S.Berlusconi bị cho là tác nhân đẩy Italia vào cuộc khủng hoảng chính trị. |
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các vấn đề pháp lý của thủ lĩnh PDL, ông S.Berlusconi, là nguồn gốc gây chia rẽ trong liên minh cầm quyền thời gian qua. Xung đột giữa hai bên gia tăng sau khi Tòa án tối cao Italia kết tội chính trị gia từng 3 lần làm Thủ tướng gian lận thuế và ra phán quyết nghiêm cấm nhân vật chính trị nhiều điều tiếng này giữ các chức vụ Nhà nước và các chức vị tại Quốc hội trong vòng 5 năm. Đây là mấu chốt khiến ông S.Berlusconi và PDL bắt đầu gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng E.Letta với hy vọng tìm ra một giải pháp chính trị cho phép người đứng đầu PDL có thể tiếp tục ngồi lại trong Quốc hội. Bởi, nếu mất ghế nghị sĩ, ông chủ câu lạc bộ bóng đá AC Milan sẽ không còn quyền miễn tố và gặp nhiều bất lợi trong các phiên tòa mà ông sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như vụ mua bán dâm với trẻ vị thành niên "Rubygate" hay cáo buộc mua chuộc đại biểu Quốc hội để lật đổ chính phủ trung tả của Romano Prodi hồi năm 2008.
Theo dự kiến, Thủ tướng E.Letta sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ vào hôm nay (2-10) để đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu vẫn được đa số nghị sĩ ủng hộ, ông sẽ khởi động các cuộc thương thuyết để tìm ra một liên minh cầm quyền mới, tránh cho Italia một cuộc bầu cử không mong đợi vào lúc này. Theo giới quan sát, Thủ tướng E.Letta hiện đang nhận được sự ủng hộ đa số tại Hạ viện và có thể thành lập chính phủ mới nếu nhận được sự ủng hộ từ một số Thượng nghị sĩ thuộc PDL hay những thành viên trung hữu ly khai và các nhóm cánh tả. Tuy nhiên, liên minh theo chiều hướng này được cho là sẽ khó bền vững và có ít cơ hội để hoạt động hữu hiệu vì mỗi nhóm chính trị tại Italia đều có lợi ích riêng.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng S.Berlusconi đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới vì theo ông này, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phe của ông sẽ giành thắng lợi. Kịch bản này là có thể, nếu chính phủ của Thủ tướng E.Letta bị bất tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu hôm nay và Thủ tướng đương nhiệm không thành công trong các cuộc thương lượng để tạo một liên minh mới. Nếu vậy, Quốc hội Italia sẽ buộc phải giải tán và đất nước bên Địa Trung Hải lại bước vào mùa bầu cử mới. Đây là kịch bản tồi tệ nhất cho Italia vào lúc này vì bất kỳ bất ổn chính trị nào cũng có thể phủ bóng lên những nỗ lực phục hồi kinh tế của đất nước sau 2 năm suy thoái với tình trạng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao hàng đầu trong Eurozone.
Trong báo cáo đầu tháng 8 vừa qua của Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT) có dấu hiệu tương đối tích cực cho thấy tốc độ suy thoái của nước này đang dần chậm lại. Một số chuyên gia nhận định trong quý III và quý IV-2013, nền kinh tế của Italia có thể bắt đầu phục hồi. Thế nhưng, những sóng gió chính trị mới sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ 3 của Eurozone. Bộ trưởng Lao động Italia Enrico Giovannini cảnh báo, các biện pháp cải cách quan trọng có nguy cơ bị đình trệ và chi phí vay mượn sẽ tăng nhiều điểm trong mấy ngày tới. Hiện tại, nợ công tại Italia đang có khuynh hướng vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức tối đa được Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra cho các quốc gia thành viên. Và nếu phải trở lại những tháng ngày tê liệt vì tranh cử thì chắc chắn con số này sẽ vượt hơn chỉ số cho phép.
Nghiêm trọng hơn, những bất ổn chính trị và kinh tế tại một trụ cột của Eurozone sẽ tác động không nhỏ đến nỗ lực phục hồi chậm chạp của toàn khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.