(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ 18 bầu ra 630 Hạ nghị sĩ và 315 Thượng nghị sĩ của Italia đã khép lại với kết quả mở ra cục diện khó đoán định. Sơ bộ, đảng dân túy Phong trào 5 sao đã giành được 32,66% số phiếu, về nhất trong cuộc bầu cử và sẽ trở thành chính đảng lớn nhất tại Italia.
Không đảng phái hay liên minh nào tại Italia giành đủ đa số ghế để thành lập chính phủ. |
Đây là sự thăng tiến mạnh so với những dự đoán đưa ra trước đó. Dù giành được 18,72% phiếu bầu và về nhì trong cuộc đua nhưng đây là kết quả yếu kém nhất từ trước đến nay mà đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Paolo Gentiloni thể hiện. Trong khi đó, với 17,37% số phiếu, đảng Liên đoàn phương Bắc đã vượt qua đảng Tiến lên Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi - có được 14,01% phiếu bầu.
Tuy nhiên, kết quả này cho thấy, không đảng phái hay liên minh nào giành đủ đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ. Có được 37% sự ủng hộ của cử tri, liên minh trung hữu mà đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc dẫn đầu đang có số phiếu bầu cao nhất và trên lý thuyết, lực lượng này có lợi thế lớn nhất để đứng ra lập chính phủ mới. Dù vậy, cho đến nay, thủ lĩnh đảng Phong trào 5 sao Luigi Di Maio chưa từ bỏ mục tiêu nắm quyền và tuyên bố đảng của ông đại diện cho Italia và có trách nhiệm lãnh đạo đất nước.
Thực tế này sẽ dẫn đến những diễn biến phức tạp trên chính trường đất nước Hình chiếc ủng. Theo luật bầu cử mới, một đảng hoặc một liên minh chỉ có thể tự đứng ra thành lập chính phủ nếu giành được đa số tuyệt đối tại cả Quốc hội lẫn Thượng viện Italia, tương đương 40 đến 45% tổng số phiếu. Theo Hiến pháp Italia, trong trường hợp không có đảng hay liên minh nào có đủ đa số để tự thành lập chính phủ, Tổng thống có quyền chỉ định một đảng đứng ra nhận nhiệm vụ này. Vì vậy, vai trò của Tổng thống Sergio Mattarella sẽ rất quan trọng trong bối cảnh bế tắc hiện nay. Tạm thời, trong khi chưa có chính phủ mới được thành lập, Chính phủ của Thủ tướng P.Gentiloni sẽ tiếp tục điều hành đất nước.
Ngoài những bất ổn trên chính trường Italia, cuộc bầu cử lần này cho thấy thực tế rõ ràng là niềm tin của người dân nước này vào Liên minh Châu Âu (EU) xuống thấp chưa từng thấy. Thực trạng trên được xem là hệ quả của việc EU chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để hỗ trợ thành viên sáng lập chống đỡ làn sóng tị nạn khổng lồ từ Bắc Phi và Trung Đông trong suốt gần 6 năm qua. Những bất bình trong người dân nhanh chóng trở thành tiền đề của khủng hoảng mô hình dân chủ phương Tây, mà Italia sở hữu tất cả những “triệu chứng” điển hình. Trong đó, sự suy yếu của các đảng phái truyền thống, sự thăng tiến của các đảng dân túy, thậm chí là các đảng tân phát xít ở một số địa phương đang trở nên phổ biến hơn. Thời gian qua, không ít ứng cử viên đã liên tục vận động cử tri bằng các khẩu hiệu chống lại hệ thống. Nhóm đối tượng vận động chính của Phong trào 5 sao chính là các cử tri trẻ khi bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Italia hiện lên tới 33% (thuộc nhóm cao nhất tại Châu Âu). Nói cách khác, chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri thể hiện nỗi thất vọng và kêu gọi thay đổi đường lối.
Tuy nhiên, EU đang lo ngại sẽ bị đứt một mắt xích quan trọng do lâu nay Italia luôn ủng hộ mạnh mẽ các dự án hội nhập Châu Âu. Mặt khác, ở vị trí tiền tuyến trong "cuộc chiến" chống lại làn sóng tị nạn, việc Italia quá tập trung xử lý các vấn đề chính trị quốc nội có thể khiến khủng hoảng di cư lan rộng khắp Lục địa già. Hơn thế nữa, bất kỳ sự bất ổn chính trị nào xảy ra với nền kinh tế lớn thứ 3 của EU nhưng đang gánh khoản nợ công lên đến 132% GDP đều ngay lập tức gây các tác động dây chuyền khó đoán định.
Với những gì đang diễn ra, sẽ mất không ít thời gian để Italia giải quyết vấn đề. Thế nhưng, dù đảng dân túy hay cực hữu chiến thắng thì điều này cũng là cú sốc lớn đối với Châu Âu và liên minh chính trị, kinh tế lớn nhất thế giới phải có nhiều nỗ lực để nhận được sự hậu thuẫn của thành viên quan trọng Italia trong các dự án hội nhập, hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.