(HNM) - Sau 6 năm gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), Bulgaria vẫn đang chật vật đối phó với núi khó khăn kinh tế chồng chất. Trong khi triển vọng còn mờ mịt thì xứ Hoa hồng lại đứng trước những diễn biến khó lường do khủng hoảng chính trị có nguy cơ bóp nghẹt quốc gia nghèo nhất
Chính phủ của Thủ tướng Plamen Oresharski vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 2 trong vòng hai tuần. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn trên chính trường kéo dài từ đầu năm tới nay được cho là mâu thuẫn khó hóa giải giữa đảng Xã hội cầm quyền và đảng Công dân vì sự phát triển Châu Âu (GERB) đối lập của cựu Thủ tướng Boyko Borisov - người buộc phải từ chức hồi đầu năm do làn sóng phản đối giá dịch vụ dân sinh quá cao.
Trên thực tế, trong cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức vào tháng 5-2013, GERB đã dẫn đầu và giành khá nhiều ghế trong Quốc hội; song, do vấp phải sự tẩy chay của một số đảng lớn trong Quốc hội, GERB đã không tìm được đồng minh để thành lập chính phủ và buộc phải nhường vai trò này cho đảng Xã hội đứng thứ hai. Nhưng sau đó, tận dụng lợi thế đa số trong Quốc hội, GERB liên tục tạo sức ép nhằm hạ bệ liên minh cầm quyền mới của đảng Xã hội cùng Phong trào vì tự do và quyền lợi (MRF).
Chỉ trong hai tuần qua, Chính phủ Bulgaria đã phải đối mặt với hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do GERB phát động, mới nhất là cuộc bỏ phiếu hôm 17-10. Tuy nhiên, tại cả 2 cuộc "sát hạch", liên minh cầm quyền đều "thoát hiểm". Theo kết quả mới nhất được công bố, chỉ có 93 nghị sĩ trong Quốc hội gồm 240 ghế bất tín nhiệm chính phủ. Chiến thắng này một lần nữa nhờ vào 120 nghị sĩ trong đảng Xã hội và sự ủng hộ của đảng MRF, đảng Ataka theo chủ nghĩa dân tộc. Thế nhưng, cơn sóng gió trên chính trường Bulgaria được dự báo vẫn chưa thể kết thúc khi GERB cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho tới khi chính phủ từ chức. Điều này có thể khiến triển vọng phục hồi kinh tế của Bulgaria càng thêm u ám.
Hiện tại, quốc gia vùng Balkan với 7,3 triệu dân này là thành viên nghèo khó nhất trong EU. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 18%. Lương trung bình hằng tháng của người lao động chỉ khoảng 400 euro - thấp nhất tại Châu Âu. Hơn 22% dân số sống dưới ngưỡng nghèo, lạm phát tăng cao, tội phạm có tổ chức bùng phát mạnh. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư tại Bulgaria giảm tới 79%, phân nửa doanh nghiệp ngưng hoạt động. Phần lớn thanh niên và tầng lớp có giáo dục cao đều tìm đường di cư sang các quốc gia Châu Âu giàu có để kiếm việc làm. Việc kinh tế Bulgaria tăng trưởng rất thấp trong thời gian qua đã và đang tác động trực tiếp tới các chương trình phúc lợi của người dân như: giáo dục, y tế, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo. Thêm vào đó, chính sách "thắt lưng buộc bụng", vốn đang phổ biến trong EU càng làm dân chúng thêm bất bình và thậm chí gây tuyệt vọng, mà dấu hiệu rõ nhất là có 6 trường hợp tự thiêu từ đầu năm đến nay. Với nhiều người dân Bulgaria, "giấc mơ đổi đời" khi gia nhập EU năm 2007 chỉ là "chiếc vé một chiều" đi qua phương Tây và không giúp đất nước này có cuộc sống tốt đẹp hơn trên quê hương của mình như kỳ vọng.
Niềm tin vào các đảng cầm quyền cũng sa sút nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân Bulgaria đang bị chia rẽ sâu sắc trong việc chọn lựa một đảng phái có thể mang lại tương lai tích cực hơn cho đất nước. Ngay cả liên minh cầm quyền hiện nay cũng khó giúp Bulgaria xây dựng được bộ máy chính quyền đoàn kết, đủ lực để đưa ra các quyết sách đúng đắn và cần thiết cho cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua. Người dân Bulgaria đang "vỡ mộng" trong "mái nhà chung Châu Âu", nay lại bế tắc khi chọn lựa con đường chính trị đưa đất nước vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện tại. Đây là thách thức lớn với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của xứ sở Hoa hồng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.