(HNM) - Cuối năm 2016, TP Hà Nội sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dự án thí điểm tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa. Trước những băn khoăn của người dân về tiến độ, sự an toàn, cũng như hiệu quả của loại hình xe buýt mới này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội), đại diện đơn vị chủ đầu tư.
Một nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Giảng Võ. Ảnh: Tuấn Lương |
- Ông có thể giới thiệu rõ hơn về dự án BRT?
- BRT là một trong 3 hợp phần của dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu thí điểm một tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn để tăng cường năng lực vận chuyển, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên trục giao thông quan trọng của thành phố. Tuyến dài 14,7km, đi theo lộ trình Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa. Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC, BRT còn góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây là loại hình VTHKCC thí điểm ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng thành công ở nhiều nước.
- Điểm khác biệt giữa BRT với xe buýt thông thường là gì, thưa ông?
- Khác biệt lớn nhất ở chỗ BRT có chất lượng dịch vụ cao, hệ thống hạ tầng đồng bộ với làn đường riêng và sử dụng thẻ vé thông minh (không sử dụng vé giấy). Tốc độ chạy xe ổn định nhờ có đường dành riêng. Hệ thống quản lý điều hành cho phép, khi đến gần nút giao thông, xe sẽ bắt sóng với tín hiệu đèn giao thông và tự điều chỉnh tốc độ để không phải dừng chờ đèn đỏ. Hệ thống camera có thể quan sát toàn bộ hành khách trong nhà chờ và trên xe để làm dữ liệu quản lý. Nếu nhà chờ đông sẽ tăng tần suất xe phục vụ. BRT có màu xanh, thân thiện với môi trường và giúp hành khách dễ nhận biết.
- Có ý kiến cho rằng, dự án BRT thí điểm chậm tiến độ. Ông giải thích thế nào về điều này?
- Đúng là dự án từng bị chậm tiến độ do phải chờ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; điều chỉnh hướng tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... Mặt khác do lần đầu triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng, nên phải vận dụng, tham khảo quy trình, quy phạm và thiết kế của nước ngoài, nhưng phải bảo đảm phù hợp với tình trạng giao thông, cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân Thủ đô…
Trên cơ sở báo cáo giải trình của chủ đầu tư, tháng 4-2015, Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ WB đã chấp thuận gia hạn Hiệp định thêm 18 tháng. Đến thời điểm này, dự án đã thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã; trạm đầu cuối Bến xe Yên Nghĩa; hoàn thành 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; cơ bản xong các hạng mục chính của 21/21 nhà chờ; hoàn thành khu depot trong Bến xe Yên Nghĩa… Chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm chính thức đưa vào khai thác BRT trong quý IV-2016. Sở GT-VT Hà Nội cũng đang triển khai tuyến buýt thường Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, dọc theo hành lang tuyến BRT, nhằm tạo thói quen đi lại của hành khách trước khi BRT hoạt động. Sau khi đưa vào khai thác, cơ quan chức năng sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng trên một số tuyến khác.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.