Từ tháng 10/2011, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành như tăng lương tối thiểu vùng; giảm phí tham quan di tích văn hóa, lịch sử đối với người cao tuổi; miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;...
Từ 1/10, lương tối thiểu vùng tăng lên 1,4 - 2 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định 70/2011/NĐ-CP, từ ngày mai (1/10/2011) đến hết ngày 31/12/2012 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,4 - 2 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Mức lương tối thiểu chia thành 4 vùng cụ thể như sau: Vùng I là 2 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,78 triệu đồng/tháng, vùng III là 1,55 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,4 triệu đồng/tháng.
Nghị định này quy định chung mức lương tối thiểu vùng đối với cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Giảm 50% phí tham quan di tích văn hóa, lịch sử đối với người cao tuổi
Theo Thông tư số 127/2011/TT-BTC, từ 24/10/2011, mức thu phí thăm quan di tích văn hoá, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi bằng 50% mức thu phí hiện hành.
Người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Để được áp dụng mức thu phí bằng 50% mức thu phí hiện hành, người cao tuổi phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc bất kỳ một giấy tờ khác chứng minh là người cao tuổi.
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/10/2011
Theo Thông tư số 120/2011/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 20/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có hiệu lực từ 1/10, giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP.
Việc xét, quyết định miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư này được thực hiện từ năm thuế 2011 đến hết năm thuế 2020.
Chế độ với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến
Có hiệu lực từ ngày 1/10/2011, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp 1 lần đối với thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cụ thể như sau:
- Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.
- Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.
Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần thì một trong những người sau đây được chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: Vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần.
Ngoài quy định chế độ trợ cấp một lần, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg còn quy định chế độ trợ cấp hàng tháng, vay vốn sản xuất đối với thanh niên xung phong.
Bảo lưu phụ cấp ưu đãi với nhà giáo được điều động làm quản lý giáo dục
Theo Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2011, bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1/9/2010 đến 31/5/2015 về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nhằm hỗ trợ nhà giáo khắc phục khó khăn trong thời gian đầu thực hiện quyết định điều động.
Thời gian được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi tại Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg là thời gian thực tế nhà giáo làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tối đa là 36 tháng.
Bàn ghế nơi dạy học không phù hợp với tầm vóc học sinh phạt đến 10 triệu đồng
Theo Nghị định 69/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS, bàn ghế nơi dạy học có kích thước không phù hợp với tầm vóc học sinh; không đủ ánh sáng thiên nhiên hoặc nhân tạo trong lớp học; không bảo đảm tiêu chuẩn diện tích tính theo một học sinh sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.