Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách đất đai là đòn bẩy lớn cho kinh tế khu vực trang trại, gia trại

Bạch Thanh| 14/03/2023 13:03

(HNMO) - Sau dồn điền đổi thửa, những năm qua, Hà Nội đã có hàng chục ngàn trang trại và gia trại từ rau màu, cây ăn quả, thủy sản, đa canh kết hợp. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều địa phương phát triển các mô hình nông nghiệp trải nghiệm gắn với du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, mô hình này chưa phát triển xứng tầm như mong muốn do những trói buộc về quy định mục đích sử dụng đất. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, trong đó có quy định về chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân...

Ngoại thành Hà Nội với hệ thống trang trại, gia trại hoa cây cảnh, sinh vật cảnh nếu được cởi trói về chính sách đất đai sẽ ngày càng phát triển.

Đến thăm trang trại cây ăn quả kết hợp với cây cảnh tại xã Kim An (huyện Thanh Oai) của gia đình chị Nguyễn Thị Phương vào bất kỳ thời điểm nào cũng khiến nhiều người thích thú bởi vẻ đẹp của những vườn bưởi cảnh được chăm sóc tỉ mỉ. Giữa những dãy bưởi trồng ngay ngắn, hoa trái đầy cành, chị Phương chia sẻ, bấy lâu nay, gia đình rất muốn phát triển mô hình trang trại cây ăn quả, cây cảnh gắn với du lịch trải nghiệm nhưng vướng nhiều rào cản về quy định đất đai, nhất là liên quan đến mục đích sử dụng đất.

"Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi quan tâm nhất đến việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa những người sử dụng đất. Nếu quy định này được thông qua, chúng tôi kỳ vọng địa phương sẽ có thêm nhiều mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn khách du lịch đến Kim An. Khi đó, chắc chắn nông sản, hoa, cây cảnh của địa phương càng đắt khách, nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với nông nghiệp mà không phải lo được mùa - mất giá", chị Phương nói.

Đồng quan điểm, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng cho hay, bấy lâu nay, rào cản lớn nhất để mô hình làng sinh vật cảnh gắn với du lịch sinh thái ở Hồng Vân chưa phát triển xứng tầm chính là do quy định về đất đai, nông dân, hợp tác xã khi làm du lịch sinh thái cũng không xây dựng được các công trình trên đất nông nghiệp như nhà đón tiếp, nhà dừng nghỉ cho du khách trong quá trình tham quan.

Nếu như khách đến chỉ tham quan cánh đồng hoa hay vườn cây cảnh đẹp mà không có dịch vụ tiện ích hỗ trợ khác thì họ chỉ đến 1 lần hoặc trở lại thì thời gian lưu trú rất ngắn, chưa khai thác, trải nghiệm hết vẻ đẹp của làng quê. Do đó, địa phương kỳ vọng Luật đất đai sửa đổi lần này có quy định cụ thể theo hướng "cởi trói" cho mục đích sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích. Qua đó sẽ thúc đẩy làng sinh vật cảnh gắn với du lịch sinh thái ở Hồng Vân phát triển bài bản hơn.

Mô hình trang trại Đồng Quê tại Ba Vì thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Thực tế, những năm gần đây, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng bỏ hoang đất nông nghiệp hoặc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Có thể thấy rằng, nhu cầu chuyển hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cải thiện thu nhập là nhu cầu chính đáng của người dân mà Nhà nước cần có chính sách bảo đảm. Một mặt, Nhà nước cần bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho an ninh lương thực; mặt khác, nông dân sản xuất nông nghiệp, trồng lúa cũng cần được bảo đảm quyền lợi một cách thỏa đáng so với người sử dụng đất phi nông nghiệp thông qua cơ chế pháp lý để có thể tự tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập. 

Mô hình hoa, cây cảnh ở các huyện ngoại thành Hà Nội thu hút nhiều người tham quan, trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định khá rõ nét chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa những người sử dụng đất. Đây là điểm mới khá ưu việt, đang được đông đảo người dân quan tâm, nhất là ở những khu vực có lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch nông nghiệp trải nghiệm.

Trồng hoa cúc làm dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm tại huyện Thanh Trì.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, thực tiễn phát triển các trang trại, gia trại gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm thời gian qua ở các quận, huyện, thị xã cho thấy, chính sách sử dụng đất đa mục đích sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, bảo đảm sinh kế, cải thiện thu nhập cho nông dân; đồng thời, bổ sung nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho ngân sách. Nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là giải pháp ích nước - lợi nhà, khắc phục tình trạng bỏ hoang đồng ruộng hoặc sử dụng sai mục đích, qua đó, đưa đất nông nghiệp vào khai thác đạt hiệu quả tối ưu.

Chính sách mới này cũng hứa hẹn tạo điều kiện thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá miệt vườn, đặc biệt là mô hình “Farmstay” đang nở rộ, tạo động lực phát triển cho khu vực ngoại thành Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đất đai là đòn bẩy lớn cho kinh tế khu vực trang trại, gia trại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.