(HNM) - Tờ khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có dấu hiệu bị làm giả khiến vụ tranh chấp đất ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì tiếp tục kéo dài.
Tiếp chúng tôi tại căn nhà đã cũ, cụ Nguyễn Thị Bé, ở thôn 3, xã Đông Mỹ (Thanh Trì) nói rành rẽ: Năm 1990, UBND xã Đông Mỹ cấp GCNQSDĐ cho tôi. Vì không biết chữ nên tôi không biết mình chỉ được cấp 200m2 mà vẫn đinh ninh còn có cả thửa đất phía sau. Đây là đất do các cụ nhà tôi để lại, thửa phía sau tôi để làm vườn và trước đây cho gia đình cụ Nguyễn Khắc Mạnh mượn một phần để làm lối đi ra đường làng. Năm 2002, khi Nhà nước có chủ trương cấp đổi lại GCNQSDĐ, con gái tôi mới biết GCNQSDĐ của tôi bị sai nên đã đề nghị UBND xã cho đổi lại "sổ đỏ". Đã gần 10 năm trôi qua nhưng đề nghị của chúng tôi vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết. Bác bỏ thông tin của cụ Bé, bà Nguyễn Thị Mẽ (con gái cụ Nguyễn Khắc Mạnh) cho biết: "Mảnh vườn đó là của tổ tiên tôi để lại, trước kia cho gia đình cụ Bé mượn để trồng rau, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu nhưng cụ Bé vẫn không trả lại đất...". Năm 1994, gia đình cụ Mạnh được cấp GCNQSDĐ ở với tổng diện tích hai thửa là 828m2 và gia đình vẫn đóng thuế nhà, đất theo căn cứ này.
Diện tích đang tranh chấp giữa hai hộ dân. |
Theo hệ thống bản đồ, sổ mục kê lưu tại UBND xã Đông Mỹ, bản đồ địa chính đo năm 1987, cụ Nguyễn Khắc Mạnh đứng tên thửa đất số 192, diện tích 118m2 (đây là diện tích đang tranh chấp) và thửa 196, diện tích 710m2; còn cụ Bé đứng tên thửa 193 diện tích 200m2. Đến năm 1994, khi đo hiện trạng sử dụng đất của địa phương, ranh giới giữa 3 thửa đất đã bị thay đổi, tại tờ bản đồ số 13, cụ Mạnh chỉ còn một thửa số 47, diện tích 685m2, còn cụ Bé là chủ sử dụng thửa số 64, diện tích 340m2; trong khi đó cả hai gia đình đều không chuyển nhượng, cho, tặng đất tại vị trí này và đóng thuế nhà, đất đầy đủ. Là những người trực tiếp thu thuế nhà, đất từ năm 1999 đến nay, ông Phạm Hữu Hòa, bà Phạm Thị Gạo khẳng định hai gia đình vẫn nộp thuế theo số liệu ghi trong GCNQSDĐ nêu trên. Để hóa giải tranh chấp, UBND xã đã nhiều lần gặp gỡ, tổ chức hòa giải, song các bên vẫn không thống nhất được cách giải quyết khiến mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Điều dễ nhận thấy là tại bản đồ đo hiện trạng sử dụng (1994), diện tích đất của hai bên đã có sự chênh lệch đáng kể và nếu đo theo hiện trạng sử dụng hiện nay thì gia đình cụ Bé đang quản lý 376m2, lớn hơn rất nhiều so với thửa 192 và 193 gộp lại (tính theo bản đồ đo năm 1987). Còn một uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ trong suốt thời gian qua khiến mâu thuẫn giữa các bên chưa thể giải quyết được đến cùng, đó là việc cụ Bé không biết chữ nhưng trong tờ khai cấp GCNQSDĐ, cụ lại viết rất rõ ràng, chữ viết "sáng sủa", khai trùng khớp với thửa 193, diện tích 200m2, tờ bản đồ số 2…? Liệu có ai đó đã làm giả hồ sơ cấp GCNQSDĐ của cụ Bé để chiếm thửa 193? Về việc này, ông Lê Mạnh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ cho biết: Cụ Bé là người không biết đọc, biết viết, còn người trực tiếp làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ năm 1990 cũng không còn sống, chúng tôi chỉ là những người tiếp nhận lại hồ sơ nên không thể lý giải được điều đó. Để xác định nguồn gốc 3 thửa đất, có thể phải xác minh thêm tại hệ thống bản đồ đo năm 1960, vì bản đồ này không lưu giữ ở địa phương nên không có cơ sở để khẳng định. Chúng tôi đã hướng dẫn các bên nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền...
Để có kết luận rõ vụ việc trên, lẽ ra UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì phải chủ động xác minh thông tin tại hệ thống bản đồ những năm trước đó và thay vì làm "trọng tài" trong những lần hòa giải, nếu chính quyền địa phương sát sao và nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn thì những tranh chấp đất đai giữa các hộ dân ở nơi đây sẽ không có nhiều phiền phức như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.