Chính quyền Kosovo ngày 2/11 đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại cơ quan lập pháp, đồng nghĩa với việc cơ quan này bị giải tán và một cuộc bầu cử sớm sẽ được tiến hành ở vùng lãnh thổ thuộc Serbia, đã đơn phương tuyên bố độc lập hồi đầu năm 2008 này.
Chính quyền Kosovo ngày 2/11 đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại cơ quan lập pháp, đồng nghĩa với việc cơ quan này bị giải tán và một cuộc bầu cử sớm sẽ được tiến hành ở vùng lãnh thổ thuộc Serbia, đã đơn phương tuyên bố độc lập hồi đầu năm 2008 này.
Chính quyền của ông Hashim Thaci thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. (Nguồn: Reuters)
Theo hãng tin AFP, Quyền Tổng thống Kosovo tự xưng, ông Jakup Krasniqi ngay sau đó đã tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp và ấn định ngày tổng tuyển cử vào 12/12 tới.
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của ông Hashim Thaci cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở Kosovo đã lên đến đỉnh điểm, tiếp sau việc ông Fatmir Sejdiu, Tổng thống Kosovo tự xưng, Chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Kosovo (LDK), một trong hai chính đảng trong liên minh cầm quyền, từ chức hồi tháng Chín vừa qua, dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn giữa hai chính đảng chủ chốt ở Kosovo khiến liên minh cầm quyền sụp đổ.
Giới quan sát cho rằng diễn biến tình hình chính trị hiện nay ở Kosovo có thể khiến cho tiến trình khởi động các cuộc đàm phán giữa Pristina và Belgrade về bình thường hóa quan hệ giữa hai bên dưới sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, có thể bị trì hoãn vô thời hạn.
Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Cộng hòa Serbia đầu năm 2008. Đa số các nước trên thế giới không công nhận độc lập của Kosovo với lý do hành động đơn phương của Pristina sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, mở đường cho làn sóng ly khai trên khắp thế giới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.