(HNM) - Thành phố Hà Nội là địa phương thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng, trong đó nhiều chính sách được áp dụng đặc thù cao hơn mức quy định của Trung ương. Tuy nhiên, việc chi trả chế độ chính sách ở một số địa phương còn bất cập khiến nhiều đối tượng phàn nàn
Chậm chi trả do đâu?
TP Hà Nội có khoảng 10% dân số đang được hưởng các chế độ, chính sách của Trung ương và thành phố. Trong đó, nhiều chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) được UBND TP Hà Nội thực hiện mức cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, theo tổng hợp kiến nghị của cử tri và khảo sát thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội mới đây cho thấy, việc thực hiện một số chính sách BTXH còn chậm, nhất là trong xét duyệt cấp thẻ BHYT, hỗ trợ hỏa táng, học phí cho học sinh, cấp báo, tạp chí…
Giải thích nguyên nhân, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho biết, đối với chính sách hỗ trợ hỏa táng, UBND TP Hà Nội thực hiện thí điểm đến năm 2012, nhưng đến nay đã quyết định kéo dài thời gian hỗ trợ, khuyến khích nhân dân thực hiện đến hết năm 2015. Nguồn ngân sách bảo đảm cho việc này được Sở LĐ-TB&XH dự trù kinh phí từ tháng 7-2013 chuyển cho Sở Tài chính. Ngay từ đầu năm sau, Sở Tài chính đã phân bổ tài chính đầy đủ về phòng tài chính các quận, huyện, thị xã để thực hiện. Tuy nhiên, ngoài ngân sách thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng/ca hỏa táng, một số địa phương còn hỗ trợ thêm từ 1 đến 3 triệu đồng/ca. Do các quận, huyện ra quyết định hỗ trợ đặc thù nên việc chi trả chậm, khiến cử tri một số nơi bức xúc. Còn đối với việc chậm duyệt cấp thẻ BHYT, hỗ trợ học phí cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chi trả chậm là do cấp quận, huyện. Bởi cũng vào thời điểm cuối năm trước, Sở LĐ-TB&XH đã có chỉ tiêu, danh sách các đối tượng được thụ hưởng chuyển Sở Tài chính và Sở Tài chính cũng phân bổ ngân sách xuống các địa phương từ đầu năm.
Vì sao hộ nghèo vẫn tăng?
Xã Đông Xuân và Phú Mãn, huyện Quốc Oai là hai trong 14 xã dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, TP Hà Nội đã triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương với nhiều chương trình, dự án. Tuy nhiên, cũng do chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đặc biệt quan tâm chăm lo cho vùng dân tộc miền núi nói chung, các hộ nghèo nói riêng, bên cạnh mặt tích cực, một bộ phận nhỏ người dân có tâm lý muốn được trở thành hộ nghèo, còn hộ nghèo thì không muốn thoát nghèo.
Theo báo cáo của huyện Quốc Oai, từ năm 2012 đến nay, đời sống của nhân dân hai xã Đông Xuân và Phú Mãn từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm. Năm 2011, hai xã có 282 hộ nghèo, đến năm 2012 giảm còn 164 hộ và năm 2013 chỉ còn 125 hộ nghèo. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, riêng xã Đông Xuân (Quốc Oai) năm 2013 tăng 36 hộ nghèo so với năm 2012. Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quốc Oai Phùng Quốc Tuệ cho biết, huyện đã chỉ đạo rà soát kỹ việc xét duyệt tiêu chuẩn hộ nghèo ở các xã. Tuy nhiên, số hộ nghèo tăng là do một số hộ có thành viên bị ốm đau, bệnh tật. Bên cạnh đó, ở một vài thôn trong khâu xét duyệt vẫn còn tình trạng nể nang vì quan hệ dòng họ, thôn bản; thậm chí một số cán bộ xã cũng mong muốn họ hàng, người thân của mình được xét duyệt và được thụ hưởng chính sách dành cho hộ nghèo.
Theo đại diện Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, số lượng hộ nghèo tăng chỉ xuất hiện ở một vài xã, còn tổng số hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013 đã giảm nhiều, chỉ còn 3,55%. Tuy nhiên, cũng do chưa sâu sát trong công tác thanh tra, kiểm tra nên ở một vài nơi xảy ra tình trạng trên, gây nghi kỵ trong một bộ phận nhân dân. Điều đó đòi hỏi ngành LĐ-TB&XH và các địa phương cần sớm vào cuộc để tránh hiểu lầm và xử lý dứt điểm những sai phạm nếu có.
Hằng tháng, UBND thành phố giao Sở LĐ-TB&XH chi trả trợ cấp cho 140.000 đối tượng BTXH với mức 350.000 đồng/người/tháng. UBND TP Hà Nội cũng áp dụng chính sách đặc thù, trợ cấp hằng tháng cho hơn 8.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động là thành viên hộ nghèo mức 350.000 đồng/người/tháng. Theo quy định của Trung ương, các hộ cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ BHYT, nhưng từ ngày 1-1-2014, Hà Nội đã quyết định cấp 100% kinh phí cho thành viên hộ cận nghèo được mua BHYT. Riêng đối với các hộ nghèo thuộc 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố còn hỗ trợ trực tiếp cho các hộ mua nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đời sống, sản xuất mức 150.000 đồng/người/năm (khu vực II) và 200.000 đồng/người/năm (khu vực III). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.