(HNM) - Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp phía Nam đã chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa theo chuẩn quốc tế để vừa mở rộng thị trường trong nước, vừa gia tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để tăng hiệu quả của hướng phát triển này.
Yêu cầu khắt khe
Theo Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT), tại các thị trường như Mỹ, EU và nhiều nước khác, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường, bảo đảm phúc lợi động vật. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu khắt khe để chinh phục thị trường mới.
Đơn cử, gần đây, 2 tấn bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên vừa được xuất khẩu sang thị trường “khó tính” là Mỹ sau 6 năm đàm phán và thực hiện những quy định rất ngặt nghèo. Theo đó, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch theo quy định của Mỹ. Các lô bưởi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ và được APHIS cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Văn Tài (ngụ tại ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có 8 công đất vườn trồng bưởi xuất đi Mỹ, chia sẻ: “Cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà phải dùng vôi bột để trừ sâu; nước tưới đạt chuẩn; bưởi thành phẩm được cắt từ cây, không lấy bưởi rụng…”.
Là đơn vị xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) thông tin: “Quả bưởi trước khi đưa vào cơ sở đóng gói phải được rửa sạch, xử lý nấm, cắt bỏ lá, nhưng phải giữ nguyên cuống. Quả bưởi được phủ sáp toàn bộ và bao gói theo quy định rồi mang đi chiếu xạ… Tất cả những công đoạn này đều được phía Mỹ kiểm tra nghiêm ngặt”.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Vĩnh Thành Đạt là doanh nghiệp phía Nam đầu tiên nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Humane Farm Animal Care (HFAC) toàn cầu, bảo đảm phúc lợi động vật và đạt chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Trương Chí Cường, cho biết: “Trứng gà bảo đảm phúc lợi động vật là trứng do đàn gà được nuôi thả trong môi trường tự nhiên; thức ăn, nước uống không có dư lượng kháng sinh; được tiêm phòng đầy đủ. Gà có sào tre để bay đậu; có cát để bới và có ổ riêng để đẻ, chứ không nuôi nhốt mật độ cao như gà đẻ công nghiệp thông thường”.
Không chỉ hàng hóa mà bao bì sản phẩm cũng phải đáp ứng những yêu cầu riêng để có thể vào được các thị trường cao cấp. Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô (thành phố Hồ Chí Minh) Bùi Khánh Nguyên, cho biết: “Bao bì sản phẩm bánh Solite mới của chúng tôi phải bảo đảm yêu cầu có thể tái chế 100%; không in nhiều màu sắc và không phủ màng nhựa để ít gây hại cho môi trường”.
Khắc phục điểm yếu
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên nhận định, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn yếu nên chủ yếu quả tươi phải xuất khẩu bằng đường hàng không với số lượng ít, chi phí cao. “Chúng ta cần có đột phá về khâu bảo quản sau thu hoạch mới hạ được giá thành sản phẩm, nhưng vẫn giữ được chất lượng để chinh phục các thị trường khó tính”.
Đồng tình với nhận định trên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) Ngô Tường Vy cho biết, bưởi Việt Nam đang được bán tại Mỹ với giá khoảng 500.000 đồng/kg. “Giá bưởi cao do phải vận chuyển bằng đường hàng không với giá 6,5-8,5 USD/kg; thêm giá chiếu xạ, thuế và chi phí khác nên giá thành cao. Tháng 1-2023, chúng tôi sẽ xuất khẩu bưởi qua đường biển nên giá sẽ hạ hơn. Về lâu dài, rất cần giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, giúp mở rộng thị trường”, bà Ngô Tường Vy đề xuất.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt Trương Chí Cường cho biết, mỗi ngày, doanh nghiệp mới chỉ xuất xưởng 5.000 quả trứng gà nuôi thả theo tiêu chuẩn HFAC (chủ yếu cung ứng cho Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô làm nguyên liệu cho bánh Solite Nature Fresh tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu). Con số này còn ít nếu so với số lượng 700.000 quả trứng gà loại thường mà công ty xuất bán mỗi ngày. “Chúng tôi phải đầu tư làm mới hệ thống chuồng trại, thay đổi quy trình chăn nuôi, nên giá thành trứng gà nuôi thả cao hơn 40% so với trứng thường. Ngoài cung ứng cho doanh nghiệp làm bánh ngọt, chúng tôi cũng đã đưa trứng vào siêu thị, nhưng sức mua chưa cao, nên chưa thể tăng nhanh số lượng gà đẻ để hạ giá thành sản phẩm”, ông Trương Chí Cường nói.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh: “Trung tâm Khuyến nông quốc gia thường xuyên thông tin đến tận cơ sở về các xu hướng tiêu dùng mới. Cùng với đó, trung tâm hỗ trợ một số doanh nghiệp và địa phương phía Nam phát triển sản phẩm mới mang tính đặc trưng, đạt tiêu chuẩn cao, để vừa chinh phục thị trường trong nước, vừa đưa nông sản, thực phẩm Việt Nam vươn ra nước ngoài theo đường chính ngạch”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.