Tài chính

Chinh phục Gen Z: Thách thức cho các nhà bảo hiểm

Vy Cầm 24/10/2024 08:30

Gen Z - nhóm khách hàng được biết đến với sự am hiểu công nghệ và nhu cầu về an toàn tài chính, vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các nhà bảo hiểm hiện nay.

Chính vì vậy, chỉ khi các công ty sẵn sàng đổi mới và thích nghi, họ mới có thể khai phá tiềm năng đáng kể của phân khúc này.

585-202410232037471.jpg
Gen Z được nhìn nhận sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng của ngành bảo hiểm.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, Gen Z (nhóm người sinh từ năm 1997 đến 2015) có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức về tài chính hơn so với các thế hệ đi trước, từ đó am hiểu và tham gia vào các sản phẩm bảo hiểm sớm hơn các thế hệ cũ.

Một cuộc khảo sát của Cốc Cốc cho thấy, hơn 32% Gen Z đã tự làm ra thu nhập của chính mình. Vì thế, Gen Z có xu hướng thích độc lập về tài chính hơn và là thế hệ quản lý tài chính chủ động và thông minh. Thế hệ này được nhìn nhận sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng tương lai của ngành bảo hiểm.

Dù chưa có một thống kê chính thức nào từ các công ty bảo hiểm về “khẩu vị” bảo hiểm của thế hệ Gen Z, nhưng từ những dữ liệu thu thập được thì lứa tuổi này thường quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe và các rủi ro mới nên nếu chọn mua bảo hiểm họ cũng tính đến các yếu tố này.

Với thu nhập ổn định ở mức hơn 20 triệu đồng/tháng, Mai Chi, 24 tuổi - nhân viên một công ty tài chính ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, thường dành một khoản tiết kiệm hằng tháng dưới nhiều hình thức: Gửi tài khoản tiết kiệm, mua chứng chỉ quỹ hoặc chứng khoán… với mong muốn tự chủ chủ động hơn với mọi rủi ro trong cuộc sống.

Gần đây, Mai Chi quyết định tham gia một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để đa dạng hơn cho sự bảo vệ bản thân. Bỏ ra mỗi ngày gần 100 nghìn đồng và đóng phí bảo hiểm trong vòng 16 năm cho sản phẩm bảo hiểm "Shinhan - Sống An Vui" của hãng bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Chi nói, theo hợp đồng sẽ được bảo vệ 20 năm.

Ngoài ra, với mệnh giá bảo hiểm là 400 triệu đồng và đóng đủ phí bảo hiểm trong thời hạn 16 năm thì tổng quyền lợi mà Mai Chi nhận được là 600 triệu đồng/năm nếu không tích lũy và nếu chọn có tích lũy là hơn 637 triệu đồng (tại mức lãi suất tích lũy dự kiến là 6%/năm và tích lũy đến ngày đáo hạn hợp đồng).

585-202410232037472.jpg
Shinhan - Sống An Vui kết hợp giữa quyền lợi bảo vệ và tiết kiệm được nhiều người trẻ lựa chọn.

Cùng với việc quyết định “chốt” hợp đồng bảo hiểm đầu tiên để yên tâm sống an vui, Chi nói đang tìm hiểu thêm sản phẩm bảo hiểm Shinhan - Sống khỏe cùng Bộ tứ siêu đẳng S-Plus, vì đây là một giải pháp bảo hiểm linh hoạt, cung cấp nhiều lựa chọn đa dạng, bao gồm 4 sản phẩm bảo hiểm bổ sung, bảo vệ toàn diện trước những rủi ro khó lường như tử vong hoặc thương tật do tai nạn, bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ viện phí khi nằm viện và các bệnh nhiệt đới thường gặp.

“Sản phẩm này cơ bản đáp ứng được yêu cầu tự chủ chi phí khi ốm đau nằm viện nên tôi quan tâm và đang tìm hiểu thêm. Nhờ internet, việc tìm hiểu các sản phẩm tài chính hay bảo hiểm giờ rất dễ dàng, quan trọng bạn hiểu rõ nhu cầu của mình ở phân khúc nào mà thôi”, Mai Chi chia sẻ.

Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý cho phép doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng thông qua website, ứng dụng trực tuyến, sàn thương mại điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khách hàng thế hệ Gen Z trong thời đại của công nghệ số, mạng xã hội.

Tuy nhiên, để chinh phục thế hệ này, theo Igloo - một công ty công nghệ bảo hiểm tại Singapore, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đơn giản hóa thủ tục tham gia bảo hiểm, với các điều khoản rõ ràng, dễ hiểu và minh bạch. Các sản phẩm bảo hiểm cần được thiết kế với mức phí bảo hiểm phải chăng và phạm vi bảo hiểm phù hợp mới tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với Gen Z - những cá nhân mới bắt đầu sự nghiệp và tìm kiếm sự bảo vệ tài chính mà không muốn phải chịu gánh nặng chi phí cao.

Là công ty bảo hiểm nhân thọ mới trên thị trường, Shinhan Life tiếp cận khách hàng Việt nói chung và Gen Z nói riêng với chiến lược nhất quán về sản phẩm, đó là thiết kế quyền lợi đơn giản, dễ hiểu, chi phí hợp lý.

Ông Bae Seung Jun - Tổng Giám đốc Shinhan Life Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không chỉ tạo ra các sản phẩm chuyên biệt cho từng kênh phân phối với sự chú trọng vào bảo vệ, mà còn phát triển các sản phẩm trực tuyến để mọi người có thể dễ dàng đăng ký bảo hiểm nhân thọ. Chúng tôi cũng liên tục phát triển các ứng dụng, nền tảng công nghệ giúp cho đội ngũ nhân viên, đại lý bảo hiểm thuận tiện trong quá trình tư vấn khách hàng, đồng thời khách hàng cũng dễ dàng thanh toán phí bảo hiểm, chủ động kiểm tra thông tin hợp đồng...”.

585-202410232037473.jpg
Ông Bae Seung Jun - Tổng Giám đốc Shinhan Life Việt Nam.

Cũng theo chia sẻ của ông Bae Seung Jun, hiện các kênh phân phối sản phẩm của Shinhan Life bao gồm kênh đại lý cá nhân (kênh FC), kênh ngân hàng và kênh đại lý tổ chức. Ngoài kênh FC, Công ty chú trọng mở rộng thêm các kênh phân phối qua ngân hàng và đại lý tổ chức, đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng thông qua đội ngũ nhân viên tư vấn của các đối tác.

“Sự hợp tác đa dạng này thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong chiến lược cung cấp những giải pháp bảo vệ toàn diện, sản phẩm bảo hiểm với chi phí hợp lý đến hàng triệu người dân Việt Nam”, ông Bae Seung Jun nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chinh phục Gen Z: Thách thức cho các nhà bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.