(HNM) - Sau nhiều ngày tranh cãi với mâu thuẫn tới phút chót, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về chi tiêu ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD với 219 phiếu thuận và 206 phiếu chống.
Dự luật được thông qua vài giờ trước khi kế hoạch chi tiêu tạm thời hết hạn đã giúp chính phủ liên bang tránh được nguy cơ phải đóng cửa một bộ phận công sở như đã từng xảy ra cách đây gần hai năm.
Chính phủ Mỹ đã tránh được nguy cơ đóng cửa sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. |
Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, Thượng viện đã nhất trí gia hạn thêm hai ngày kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời trong lúc cơ quan lập pháp này bắt đầu cuộc tranh cãi về dự luật. Như vậy, Nhà Trắng đã không phải đóng cửa một bộ phận công sở và các cơ quan dịch vụ không thiết yếu do không có ngân sách hoạt động. Trước cuộc bỏ phiếu, cả Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và các quan chức hàng đầu khác của Nhà Trắng đã phải mở chiến dịch nước rút nhằm thuyết phục các Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ ủng hộ, thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách mà Nhà Trắng cho là "tuy còn nhiều khiếm khuyết, nhưng có thể chấp nhận được".
Giống như những cuộc bỏ phiếu trước, dự luật 1.100 tỷ USD được thông qua tại Hạ viện trong sự chia rẽ sâu sắc. Nhưng lần bỏ phiếu này mâu thuẫn không chỉ xảy ra giữa các nghị sĩ của đảng Cộng hòa mà ngay cả trong nội bộ đảng Dân chủ và giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ với chính quyền của Tổng thống B.Obama. Các nghị sĩ của đảng Dân chủ bỏ phiếu chống dự luật vì cho rằng trong văn bản này bao gồm hai điều khoản dành sự ưu đãi cho giới tài phiệt "phố Wall" và cho phép người giàu được đóng góp tài chính nhiều hơn cho các chiến dịch tranh cử. Phe Dân chủ cho rằng điều này có lợi cho đảng Cộng hòa, nhất là trong các kỳ bầu cử. Ngoài ra, điều khoản trong dự luật một lần nữa làm cho người dân đóng thuế phải cứu nguy cho các ngân hàng lớn trong trường hợp bị thua lỗ nặng vì những vụ mua bán mạo hiểm. Sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội đã thông qua luật lệ để quản lý những thương vụ có nhiều rủi ro của các ngân hàng. Trong khi đó, theo đảng Cộng hòa, dự luật chi tiêu này là một sự thỏa hiệp để tránh xảy ra tình trạng chính phủ đóng cửa và lập luận rằng không một ai có thể có được mọi thứ mà họ muốn.
Thực ra, với việc cho phép một số cơ quan chính phủ nhận khoản chi tiêu khẩn cấp, đảng Cộng hòa đang kỳ vọng có thể gây sức ép làm thay đổi kế hoạch của Tổng thống B.Obama khi Quốc hội mới nhóm họp vào đầu năm 2015. Dự luật vừa được thông qua đồng ý chi tiền cho hoạt động của hầu hết các bộ ngành, nhưng một số bộ ngành như Bộ An ninh Nội địa trước mắt chỉ được cấp ngân sách hoạt động đến ngày 27-2-2015. Nghĩa là yêu cầu tăng ngân sách nhằm tăng cường an ninh dọc biên giới Mỹ trong thời gian tới của Tổng thống B.Obama chưa được thông qua. Đây là một cách để đảng Cộng hòa tạo cớ nhằm ngăn cản những cải cách nhập cư mà người đứng đầu nước Mỹ vừa đưa ra trước đó. Bởi lẽ, vào năm 2015, khi Quốc hội mới khóa 114 nhóm họp, đảng Cộng hòa đã nắm được quyền kiểm soát cả lưỡng viện và có thể gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống B.Obama về vấn này. Trước đó, ông B.Obama đã công bố kế hoạch cải tổ hệ thống nhập cư mà không cần tới Quốc hội. Kế hoạch này áp dụng cho khoảng 4,1 triệu trên tổng số hơn 11 triệu người nhập cư hoặc sống ở Mỹ ít nhất 5 năm và có con cái là công dân hay người thường trú. Ngoài ra, khoảng 300.000 người đến Mỹ trái phép là trẻ em cũng được hưởng lợi.
Đương nhiên sự cải cách ấy đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ đảng này đã cáo buộc Tổng thống B.Obama lạm quyền, vi hiến và ủng hộ việc sử dụng dự luật ngân sách để ép người đứng đầu Nhà Trắng rút lại đề xuất. Các nhà phân tích nhận định, đảng Cộng hòa có thể dễ dàng đạt được mục tiêu làm phá sản chính sách của Tổng thống B.Obama bởi hiện đảng này đã chính thức kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Do đó, đã có ý kiến rằng đảng Cộng hòa đang sử dụng "chiêu bài" ngân sách để thực hiện mục đích của mình và dường như việc gây áp lực của đảng con Voi đã có hiệu quả.
Dự luật chi tiêu cho ngân sách 2015 còn chờ Thượng viện Mỹ thông qua trước khi xứ Cờ hoa bước vào kỳ nghỉ dài ngày cuối năm. Dẫu các cơ quan chính phủ liên bang đã thêm một lần thoát hiểm nhưng rõ ràng vấn đề ngân sách chỉ là một trong nhiều thử thách mà ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp phải trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ II.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.