Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ họp trực tuyến về bình ổn thị trường: Không lo sốt giá?

Quốc Bình| 04/12/2010 07:26

(HNM) - Tâm lý vẫn được coi là yếu tố quan trọng gây nên những bất ổn trên thị trường hiện nay. Để đối phó, cần phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát giá cả thật quyết liệt. Những vụ "sốt" giá bất thường hoặc phao tin đồn nhằm trục lợi về giá sẽ bị điều tra ngọn ngành và xử lý nghiêm để làm gương. Đây là những nội dung nổi bật tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương nhằm bình ổn thị trường được tổ chức hôm qua 3-12.

* Không có chuyện thiếu hàng hóa
* Hà Nội có 360 điểm bán hàng bình ổn giá

(HNM) - Tâm lý vẫn được coi là yếu tố quan trọng gây nên những bất ổn trên thị trường hiện nay. Để đối phó, cần phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát giá cả thật quyết liệt. Những vụ "sốt" giá bất thường hoặc phao tin đồn nhằm trục lợi về giá sẽ bị điều tra ngọn ngành và xử lý nghiêm để làm gương. Đây là những nội dung nổi bật tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương nhằm bình ổn thị trường được tổ chức hôm qua 3-12.

Khách lựa chọn thực phẩm tại quầy bán hàng bình ổn giá của siêu thị Fivimart. Ảnh: Linh Tâm


Nhiều điểm bán hàng ổn định giá
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc giao ban với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành TƯ, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Đầu cầu TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng phụ trách.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, mỗi tỉnh, thành phố đều đã triển khai dự trữ các mặt hàng thiết yếu, tổ chức các điểm cung ứng hàng đề phòng sốt giá. Đặc biệt là tại các đô thị lớn, hệ thống cửa hàng bình ổn giá đã được tổ chức phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 360 điểm bán hàng bình ổn giá. Hà Nội cũng đã chi 500 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung 9 mặt hàng thiết yếu. "Các cửa hàng bình ổn đều có nhận diện riêng và bán giá thấp hơn từ 10-15% so với giá thị trường cùng thời điểm. Các cơ quan truyền thông có thể kiểm tra điều này". Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đều có hàng chục đến hàng trăm cửa hàng như vậy. Xa xôi và khó khăn như tỉnh Đắc Lắc cũng đã bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa để bình ổn giá.

Trong khi đó, lãnh đạo các bộ, ngành TƯ đều khẳng định không hề có tình trạng khan hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu đến mức đẩy giá tăng cao như vừa qua. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: "Không lo thiếu hàng hóa trong những tháng cuối năm". Theo bà, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng... đã được chuẩn bị đầy đủ cho những tháng cuối năm. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng: "Lượng gạo dữ trữ hiện nay trên 1 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đường đang tồn kho 30.000 tấn. Thịt sản xuất khoảng 4 triệu tấn, tương đương nhu cầu nhưng vẫn cho nhập thêm 70.000-80.000 tấn. Nói chung, có thể yên tâm, không có "sốt" giá thịt...". Ông chỉ dự báo có thể giá rau sẽ tăng vì một số nơi do sản xuất bị thiệt hại nặng bởi thiên tai. Đề cập riêng đến mặt hàng xi măng, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, nguồn cung xi măng năm nay dồi dào nhất từ trước đến nay, nguồn dự trữ đề phòng biến động giá cũng đã có, nên có thể hoàn toàn yên tâm về mặt hàng này. Ở góc nhìn tổng thể, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh: "Về vĩ mô là không thiếu hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán, thậm chí là sau tết một vài tháng".

Thép, một trong những mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị đầy đủ cho những tháng cuối năm. Trong ảnh: Bốc xếp thép xây dựng tại Công ty CP Thép Hải Phòng. Ảnh: TTXVN


Dồn sức kiểm tra, kiểm soát
Trên thực tế, mặc dù nguồn cung hàng hóa, dịch vụ vẫn bảo đảm, nhưng giá cả một số mặt hàng vẫn tăng cao. Theo Bộ Tài chính, sau 5 tháng giá cả tăng thấp, 3 tháng trở lại đây tăng mạnh trở lại. Cao nhất là tháng 11 với mức tăng 1,86% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đã là 9,58% so với tháng 12-2009. Có 5 nhóm hàng hóa tăng từ trên 8% đến gần 20%, trong đó nhóm hàng lương thực - thực phẩm tăng 12,46% nhưng góp phần tăng tới 5% trong số 9,58% của CPI 11 tháng qua.

Về nguyên nhân tăng giá, ngoài các yếu tố khách quan như giá cả thế giới tăng cao, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều có chung nhận định rằng yếu tố tâm lý có vai trò quan trọng. "Đơn giản là bà con ta thấy giá vàng lên cao thì cũng đẩy giá hàng lên theo" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét. Ông cũng cho rằng, giải pháp bình ổn giá có nhiều, song việc triển khai của các cấp, các ngành chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về giá bán hàng hóa… "Số vụ vi phạm về giá được xử lý chiếm tỷ lệ chưa tới 10% tổng số vụ vi phạm về quản lý thị trường. Điều này chứng tỏ kiểm soát giá chưa làm tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, ta cũng chưa có cơ chế kiểm soát độc quyền và hệ thống phân phối hiệu quả..." - Phó Thủ tướng phân tích.

Đại diện các tỉnh, thành phố cũng thừa nhận điều này và cho rằng, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa bộ, ngành TƯ và địa phương trong triển khai việc này cũng chưa tốt. Chính quyền cơ sở vẫn chưa thể hiện vai trò tương xứng trong công tác này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh một số yêu cầu các cấp, các ngành phải dồn sức thực hiện ngay như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm lưu thông hàng hóa, an toàn tài chính, tiền tệ… Ông cũng đồng ý với đề nghị tăng mức phạt hành chính về giá để nâng cao tính răn đe. Đề nghị chưa thực hiện thu lệ phí giết mổ gia súc, gia cầm theo Thông tư 136 của Bộ Tài chính cũng được chấp thuận. Song song với việc chuẩn bị hàng hóa tích trữ, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời can thiệp. Bộ Tài chính và Bộ Công thương có nhiệm vụ liên kết tổ chức kiểm tra, giám sát chống độc quyền tăng giá trục lợi. Đối với các trường hợp sốt giá bất bình thường hoặc thông tin không chính xác gây sốt giá phải được điều tra ngọn ngành, xử lý nghiêm khắc và công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ họp trực tuyến về bình ổn thị trường: Không lo sốt giá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.