Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ đồng hành, doanh nhân khát khao

Việt Nga| 13/10/2016 06:55

(HNM) - Năng suất lao động thấp, công nghệ lạc hậu, yếu vế vốn và năng lực quản trị... đang là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua khi tham gia

Cùng với những đóng góp về kinh tế, các doanh nghiệp còn tạo ra hàng triệu việc làm góp phần ổn định và phát triển xã hội.Ảnh: Bá Hoạt


Cùng với đó, Chính phủ mong muốn đội ngũ doanh nhân cũng có khát khao, năng động, sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.

Nhiều thách thức phải vượt qua

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen (tỉnh Thái Bình), việc ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới với các nước trong khu vực và thế giới mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đi kèm theo cũng là không ít thách thức cộng đồng DN Việt Nam phải vượt qua. Đó là trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiết bị sản xuất chưa tiên tiến, năng suất lao động thấp dẫn đến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh được với nước ngoài. Ông Đỗ Văn Vẻ cho biết thêm, do quy mô DN chủ yếu là vừa và nhỏ nên khi thị trường có nhu cầu lớn, hoặc trong hợp tác với các đối tác nước ngoài, chúng ta không đáp ứng được yêu cầu đơn hàng... Đó còn chưa kể đến các hạn chế về vốn, kiến thức trong hợp tác làm ăn với DN nước ngoài là điểm yếu lớn của DN Việt Nam.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, năng suất lao động nước ta thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan. Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp là do chất lượng lao động yếu, chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo (có đến 50% lao động chưa qua đào tạo), học thiên về lý thuyết và do công nghệ lạc hậu.

Tại diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2016, với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, các doanh nhân Việt Nam không chỉ phải lo "đối phó" với thị trường mà còn phải đối phó cả với thể chế kinh tế, sự thiếu ổn định của chính sách và dành không ít thời gian cho “quan hệ”. Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện không ít người kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa thể trở thành một doanh nhân đúng nghĩa, bởi họ mới chỉ biết làm giàu cho bản thân nhờ vào các mối quan hệ.

Phải đạt tiêu chuẩn toàn cầu

Cũng tại diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2016, đại diện nhiều DN đã thống nhất quan điểm, đến lúc DN Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, định vị được những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi; đã đến lúc phải tập trung đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch… Cùng với đó, là phát huy tinh thần khởi nghiệp, mà trong đó, khởi nghiệp không chỉ là thành lập DN mới mà còn là tái cấu trúc DN cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ… Theo ông Vũ Tiến Lộc: Khởi nghiệp là nghĩ mới, làm mới. Khởi nghiệp không chỉ là việc của DN mà còn là việc của các cấp chính quyền.

Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi được Quốc hội bầu, đã lựa chọn gặp gỡ cộng đồng DN đầu tiên và công bố cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch và liêm chính trong hoạt động. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017 và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính để xóa bỏ cơ chế xin - cho, ngăn chặn tình trạng DN hoạt động theo kiểu “quan hệ”...

Dưới góc độ DN, để hội nhập thành công, ông Đỗ Văn Vẻ cho rằng, bên cạnh việc tự nỗ lực, cộng đồng DN rất cần sự ủng hộ của Nhà nước. Chính phủ cần sớm sửa đổi các quy định không phù hợp với tinh thần thông thoáng cho DN phát triển; sớm ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng... Ông Nguyễn Phi Thường nêu, phải thực hiện tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi đây chính là chìa khóa cho phát triển bền vững. Giải pháp được xác định là: Nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách nhanh chóng đổi mới hệ thống giáo dục để đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, đạo đức, văn hóa văn minh; xây dựng kỹ năng cho người lao động; tăng cường đầu tư thực chất cho khoa học.

Tinh thần “Ba đồng hành, năm hỗ trợ”

Công nhân điều khiển thiết bị sản xuất chăn, ga tại Công ty TNHH HAPPINESS (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín).Ảnh: Bá Hoạt


Tinh thần kiến tạo, hỗ trợ DN phát triển luôn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại các cuộc gặp gỡ với DN và làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Mới nhất, tại lễ phát động phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", một lần nữa người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “Ba đồng hành, năm hỗ trợ” đối với DN. Đó là, đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN; đồng hành thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN, nhất là trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn, DN phát triển ở một trình độ cao hơn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn; phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, DN Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt.

Nhấn mạnh vai trò của DN, Thủ tướng Chính phủ cho biết, quốc gia nào có nhiều DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN phải bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động, sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ làm hết sức mình để DN Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới thành công. Chính phủ cũng mong các doanh nhân cũng có những khát khao như vậy”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đồng hành, doanh nhân khát khao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.