Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ đồng hành cùng công đoàn hỗ trợ người lao động

Theo TTXVN/VIETNAM+| 24/09/2018 21:00

Tại Diễn đàn thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, chiều 24-9, nhiều vấn đề tâm huyết đại biểu đặt ra đã được lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ giải đáp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn: "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Ngăn chặn thông tin trái pháp luật tiếp cận người lao động

Bàn về vấn đề quản lý không gian mạng, các giải pháp ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt, những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân trên mạng xã hội, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện có nhiều thông tin sai lệch, thông tin giả trên mạng xã hội. Điều này có một lý do là nhiều người đang tham gia mạng xã hội không chính danh. Về mặt quản lý Nhà nước, khung pháp lý đã được hoàn thiện. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng làm việc với các công ty cung ứng dịch vụ để những người tham gia mạng xã hội phải chính danh. Bên cạnh đó, đã đến lúc những sai phạm trên không gian mạng cần được xử lý nghiêm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Công đoàn Việt Nam nên chủ động đưa ra những thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp nên có một fanpage để công khai thông tin chính thống của công đoàn. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Công đoàn Việt Nam để xây dựng fanpage ở từng khu công nghiệp. Ông cũng cho rằng, vấn đề đào tạo và nâng cao nhận thức là cách để người dân hiểu mạng xã hội, sống trong không gian mạng.

“Mỗi cá nhân cần có bộ lọc của riêng mình. Có lẽ câu chuyện đào tạo, nâng cao nhận thức, cách sống, ứng xử trên mạng xã hội cần đưa vào từ trường phổ thông để giáo dục học sinh”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến.

Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc quản lý không gian mạng cũng phải sử dụng giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật. Việt Nam phải có một trung tâm quốc gia về an toàn thông tin. Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bước đầu dự án này để có thể giám sát, đánh giá thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng; sử dụng các biện pháp kỹ thuật, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước ngăn chặn thông tin xấu, để không gian mạng lành mạnh hơn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) trả lời về vấn đề công nghệ thông tin. (Nguồn: TTXVN)


Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề


Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nguyên nhân năng suất lao động thấp là do người lao động chưa qua đào tạo, một bộ phận nhà máy, công xưởng chỉ ở mức 2.0, chưa kết nối được công nghệ thông tin, trình độ của lực lượng lao động cũng vậy. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại khá cao (59,9%). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề do những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cả thời cơ và thách thức; bên cạnh đó, tập trung cao vấn đề đào tạo nghề đối với số lao động chuyển nghề mới hoặc người lao động làm nghề cũ nhưng phải có tay nghề cao hơn; chú trọng đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn.

Thời gian tới, Nhà nước không can thiệp vào quá trình xây dựng thang bảng lương của các doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận, từ đó sẽ đặt ra xu hướng mới trong công tác công đoàn. Bên cạnh tổ chức công đoàn sẽ có các tổ chức của người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình vấn đề này trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng: Đây là tổ chức đơn thuần về mặt kinh tế giữa người lao động với nhau, không phải tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, chỉ hoạt động trong khuôn khổ của doanh nghiệp đó.

Giúp người lao động thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4


Bàn về định hướng chính sách và ứng dụng công nghệ giúp người lao động thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là mối quan tâm của toàn xã hội.

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) vừa được tổ chức tại Hà Nội cũng đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó vấn đề liên quan đến tổ chức sản xuất, năng suất lao động, việc làm là nội dung rất quan trọng. Có ý kiến cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 như một đoàn tàu, không ai được để lỡ đoàn tàu đó. Cũng có ý kiến cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn lốc, nếu ai chủ động sẽ thành công, còn nếu thụ động sẽ bị bỏ lại phía sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải giữ được môi trường ổn định, hòa bình; phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý quản trị, tăng cường chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn về vấn đề công nghệ thông tin. (Nguồn: TTXVN)


Động lực cho người lao động

Trả lời đại biểu về phân phối thành quả phát triển kinh tế, tạo động lực cho người lao động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, công cuộc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế do Đảng khởi xướng không thể thành công nếu không có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, mỗi người lao động. Thành quả của đổi mới, tăng trưởng không có ý nghĩa gì nếu người dân không được hưởng, chỉ có ý nghĩa khi tất cả mọi người được chăm lo.

“Như Thủ tướng nói, nội hàm của phát triển bền vững là không một ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ và Quốc hội đã và đang hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chính sách an sinh khác. Hệ thống này dựa trên nguyên tắc thị trường tiên tiến, theo định hướng tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa trong doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu. Đây chính là sàn thấp nhất, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là những người lao động yếu thế trong xã hội. Đây cũng là căn cứ để thảo luận, thương lượng hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Tiếp đó, đây là cơ sở để điều tiết thị trường lao động.

“Không chỉ tiền lương tối thiểu theo tháng, mà tới đây, Chính phủ sẽ xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu theo giờ. Điều này phù hợp quan điểm lao động mới, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đến nay tiền lương tối thiểu mới chỉ bảo đảm 93% mức sống tối thiểu của người lao động. Từ nay tới năm 2020, Chính phủ đưa mức tiền lương tối thiểu của các khu vực bảo đảm 100% mức sống tối thiểu của người lao động, trong đó phụ thuộc vào tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. 


Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế thảo luận ra mức lương sàn, củng cố vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia, tăng cường thành viên độc lập; giao Tổng cục Thống kê điều tra, công bố mức sống tối thiểu hằng năm. Chính phủ sẽ tăng cường tham gia thanh, kiểm tra nhằm bảo đảm chính sách này được thực thi trong thực tiễn.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng đến bảo hiểm toàn dân.

Đối với tầng thứ nhất là trợ cấp tuổi già: Trong điều kiện tuổi thọ ngày càng tăng thêm, điều kiện ngân sách ngày càng khá hơn, sẽ hướng tới việc có thể giảm bớt tuổi trợ cấp và tăng tiền trợ cấp lên.

Tầng thứ hai là bảo hiểm căn bản, gồm bảo hiểm bắt buộc như hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn, thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyện. Ngoài ra, chế độ bảo hiểm hưu trí còn được bổ sung gắn với thị trường.

“Một điều chỉnh nữa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương. Ví dụ, chế độ chính sách trước đây là 20 năm thì lộ trình tới đây rút xuống còn 15 năm và tiến tới chỉ cần đóng đủ 10 năm bảo hiểm xã hội là sẽ được hưởng lương hưu” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin thêm.

Quang cảnh diễn đàn. (Nguồn: TTXVN)


Tạo lòng tin đối với người lao động

Nêu câu hỏi: Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ thì người lao động đứng ở đâu trong quá trình đồng hành này?, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, để người lao động có thể vững bước đồng hành cùng con đường này, Chính phủ và công đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình hỗ trợ người lao động.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, Hội nghị Trung ương 5 của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Mục tiêu này là khả thi vì đến nay, đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Theo đó, đến năm 2020, nền kinh tế Việt Nam hoàn thiện bước đầu nền kinh tế thị trường, đến 2030 hoàn thiện nền kinh tế thị trường. Điều này mang lại nhiều cơ hội cùng thách thức với các tổ chức công đoàn và người lao động.

“Sẽ có nhiều cơ hội cho người lao động vượt qua, bứt phá để bước chân vào những ngành nghề có cơ hội, có giá trị gia tăng cao hơn nhưng cũng có một bộ phận người lao động có thể bị bỏ lại phía sau nếu không có chính sách hỗ trợ. Công đoàn có những thách thức để thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ người lao động trước những yêu cầu rất mới nhưng lại đem lại cơ hội lớn lao cho công đoàn nếu tạo được lòng tin đối với người lao động. Họ sẽ đến với công đoàn nhiều hơn, đồng hành cùng vượt qua thách thức” - đồng chí Trương Thị Mai nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa chính sách thị trường lao động chủ động, bao gồm: chính sách việc làm, đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Với chính sách thị trường lao động thụ động, khi người lao động gặp rủi ro không mong muốn như tại nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, hưu trí sẽ có những chính sách an sinh, bảo hiểm, hưu trí hỗ trợ họ.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng nêu một số yếu tố đảm bảo việc làm bền vững. Đó là lao động có tay nghề cao, có thu nhập hợp lý, môi trường lao động an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đồng hành cùng công đoàn hỗ trợ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.