Tranh cãi ngày càng trở nên gay gắt giữa các đảng phái chính trị ở Bồ Đào Nha về những biện pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ không những đe dọa tiến trình giải quyết gánh nặng nợ của nước này, mà còn khiến chính phủ trung tả của Thủ tướng Jose Socrate đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Chính phủ trung tả của Thủ tướng Jose Socrate đối mặt với nguy cơ sụp đổ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Sự căng thẳng trên chính trường Bồ Đào Nha càng trở nên gay gắt sau khi ông Pedro Passos, thủ lĩnh đảng Dân Chủ đối lập chính, khẳng định sẽ không ủng hộ gói biện pháp cắt giảm chi tiêu bổ sung và điều chỉnh thuế nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách của nước này xuống 4,6% trong năm nay, mà chính phủ nước này vừa mới công bố.
Trong khi đó, các đảng phái đối lập khác, thậm chí cả Tổng thống Anibal Cavaco Silva cũng than phiền không được tham vấn trước về kế hoạch này. Trong khi đó, Thủ tướng Socrate tuyên bố "không cần quốc hội thông qua gói biện pháp mới này".
Trước đó, ngay sau khi Chính phủ Bồ Đào Nha công bố những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới ngày 11/3, hàng trăm nghìn người tại thủ đô Lisbon và 10 thành phố khác trên khắp Bồ Đào Nha đã xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp này.
Phát biểu với các nhà báo ngày 14/3 tại Lisbon, lãnh đạo Đảng Xã hội trong Quốc hội, nghị sỹ Francisco Assis cho rằng sự sụp đổ chính phủ của Thủ tướng Socrate chỉ còn là "vấn đề thời gian."
Bồ Đào Nha đang nỗ lực nhằm thuyết phục các thị trường trên thế giới rằng có thể tự giải quyết được các khó khăn kinh tế hiện nay mà không cần nhận cứu trợ từ cộng đồng quốc tế như trường hợp của Hy Lạp và Ireland.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục 11,2 % và lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt lên mức báo động, thì gói biện pháp cắt giảm chi tiêu mới của Chính phủ Bồ Đào Nha có nguy cơ phản tác dụng. Do đó, đây là cơ hội để phe đối lập "hợp sức" lật đổ chính phủ của Thủ tướng Socrate.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.