Những ngày qua, người dân thôn Chiền, xã Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang không khỏi bàng hoàng, xôn xao về câu chuyện hai anh em cùng cha khác mẹ là Tạ Văn Thanh và Tạ Hải Hà rủ nhau đi cướp tiệm vàng.
Tìm đến gia đình Tạ Văn Thanh, được nghe câu chuyện từ chính người thân Thanh kể lại, chúng tôi không khỏi xót xa cho cuộc đời "chìm nổi" nhiều uẩn khúc của gã thanh niên tội lỗi, và càng xót xa hơn cho người bố, vốn đường tình duyên gặp nhiều trắc trở, nay lại phải gánh thêm nỗi đau đớn vì có con phạm tội...
Kẻ nổ mìn tiệm vàng và cuộc đời nhiều uẩn khúc
Vụ nổ mìn tại tiệm vàng trên đường Nguyễn Thái Học mà Tạ Văn Thanh vừa gây ra khiến nhiều người phẫn nộ. Nhưng phía sau việc làm kinh hoàng đó, là một thanh niên với cuộc đời nhiều uẩn khúc.
Thanh và Hà là hai anh em cùng cha khác mẹ. Cả hai đều học chưa hết lớp 12, rồi bỏ nhà đi xa. Thi thoảng, họ mới về làng.
Từ khi sinh ra, Thanh vốn đã lầm lì, lớn lên càng ít nói. Cha mẹ thường đi làm ăn xa, chẳng mấy khi có nhà. Mới 2 tuổi, Thanh đã chẳng bao giờ nhìn thấy mặt mẹ được nữa. Bởi trong một chuyến lên Lạng Sơn làm thuê, mẹ Thanh đã không quay về.
Ông Tạ Văn Quyết (chú ruột của Thanh) nhớ lại: "Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi, lúc đó, bà nội cháu còn sống… Năm đó là năm 1989, mẹ Thanh lên Lạng Sơn, rồi mất tích luôn. Cháu nó ở với bố và ông bà"
Mấy năm sau, bố Thanh đi bước nữa. Thanh theo bố đến ở với mẹ kế tại thôn Chiền - xã Hoàng Nội, thi thoảng về với ông bà nội. Cuộc sống mẹ ghẻ, con chồng khiến không khí gia đình luôn lạnh lẽo. Bởi vậy, càng lớn Thanh càng ít nói, đi không ai biết, về không ai hay. Rồi bà nội mất, Thanh ít về dần…
Thanh học đến lớp 7 thì bỏ dở. Ông Quyết nói, bởi Thanh chán nản, xin tiền bố và mẹ ghẻ khó khăn. Rồi Thanh thoắt ẩn, thoắt hiện, chẳng ai biết đứa con lạc loài này đi những đâu. Khi ở Lạng Sơn, lúc trong Vũng Tàu. Đôi khi bỗng nhiên thấy Thanh xuất hiện ở quê nội về thăm ông, nhưng lại đi ngay.
Bản thân ông nội Thanh cũng không có nhà. Mảnh đất từ xưa ông cụ nhường lại cho con trai thứ 3, tức ông Quyết - chú của Thanh ở. Đến nay, ông Quyết chịu khó làm ăn nên đã dựng được cơ ngơi kha khá trên mảnh đất đó. Ông nội Thanh vốn làm nghề mài dao kéo, cũng lang thang khắp nơi, vô định.
Ông Quyết thở dài: "Lâu lắm ông nội và nó không gặp nhau. Thỉnh thoảng về đây, ông có hỏi thằng Thanh dạo này thế nào? Nhưng cũng chẳng ai rõ".
Lần cuối, Thanh về thăm quê nội cùng Hà, chú Quyết hỏi thăm, Hà bảo đợt này theo Thanh lên Lạng Sơn làm phụ hồ, rồi hai đứa đi luôn. Và đến ngày hôm sau (ngày 21/6 - PV), thì nhận được tin dữ...
Căn nhà nền đất của gia đình Thanh
Người cha với nỗi đau khôn cùng…
Trong căn nhà cũ kỹ, nền đất, ông Tạ Văn Hảo (SN 1964) - bố Thanh và Hà dáng người uể oải mệt nhọc, nói như muốn khóc: "Hôm trước, hai anh em rủ nhau đi đâu không rõ. Sau đấy, thằng Hà về, lúc đó trời sắp đổ mưa. Mải chạy hốt thóc đang phơi ở sân vào, nên chúng tôi cũng chẳng kịp hỏi. Rồi nó cùng thằng Bắc em út đi ra lều cá ở hồ vườn Sung, đêm ngủ lại luôn. Đến nửa đêm thì công an ập đến bắt…"
Ông Hảo vốn là một nông dân chất phác, quanh năm bám víu lấy vài ba sào ruộng. Tuy nhiên, đường tình duyên lại gặp nhiều trắc trở. Trước khi lấy mẹ Thanh, ông từng có một đời vợ. Hai người có với nhau được cô con gái. Vì cuộc sống khó khăn, nghèo khó khiến hai người thường xuyên mâu thuẫn và dẫn đến chia tay.
Năm 1986, ông Hảo đi thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1966) và sinh ra cậu con trai Tạ Văn Thanh. Sau khi ông Hảo cưới vợ mới, người vợ đầu ở vậy nuôi con. Nay cô con gái đã lớn và đi lấy chồng, nhưng chẳng mấy khi qua lại.
Tưởng chừng như cuộc sống của ông Hảo sẽ yên ổn bên người đàn bà chịu thương, chịu khó hết mực chiều chồng thương con, thế nhưng bất hạnh lại một lần nữa giáng xuống đầu ông.
Khi Thanh được 2 tuổi, hai vợ chồng ông thấy cuộc sống đồng ruộng cực khổ quá, nên đã quyết định cùng nhau lên Lạng Sơn để làm cửu vạn. Trong một lần theo đám công nhân nữ sang Trung Quốc đi bê gạo, bà Tâm bỗng dưng mất tích. Mặc dù đã nhờ đến lực lượng công an can thiệp nhưng ông Hảo vẫn không thể tìm lại vợ mình.
Người cha với cuộc đời khốn khó nghẹn ngào khi nhắc đến con trai
Ông Hảo trở về quê và sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Vài năm sau, ông tình cờ quen bà Thân Thị Đương (SN 1962), hơn ông 2 tuổi. Sau đấy hai người kết hôn và sinh hạ được cậu con trai là Tạ Hải Hà.
Ông Hảo cho biết, gia đình có 5 người nhưng 2 thằng lớn chẳng mấy khi về. Hai ông bà quần quật kiếm tiền, mấy năm nay đang xây dở ngôi nhà hai tầng khá lớn. Ông bảo, sau khi mẹ Thanh mất, ông đã không quan tâm đến Tạ Văn Thanh. Tuy vậy, theo ông Hảo, Thanh vẫn ngoan ngoãn, không cãi lời ai. “Năm Thanh học lớp 7, lúc đó không có tiền cho cháu đi học, đành để nó nghỉ, ở nhà theo cha chú đi làm thuê”, ông Hảo kể.
Kể từ lúc nghe tin hai thằng con trai lớn bị bắt, người cha tội nghiệp như người mất hồn. “Chân tay tôi rụng rời khi nghe tin thằng Thanh và Hà phạm tội… Con cái trót dại như thế, chỉ còn biết đợi pháp luật xử lý mà thôi”, ông Hảo đau đớn nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.