(HNM) - Được kỳ vọng sẽ trở thành cỗ chiến xa uy lực nhất trong lịch sử tăng - thiết giáp của Nga, Armata được nhìn nhận là nhân tố quan trọng giúp Mátxcơva có thể cân bằng sức mạnh quân sự với phương Tây cũng như Mỹ.
Phác họa siêu tăng Armata của Nga. |
Và, điều này thêm một lần nữa được khẳng định khi tiến độ chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới phát triển trên nền tảng khung gầm xe thiết giáp hạng nặng đa dụng Armata đang được gấp rút hoàn thành. Mới đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, với tiến độ hiện tại, dòng xe tăng thế hệ mới của Nga sẽ ra mắt nguyên mẫu vào tháng 9 năm nay. Tới năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga sẽ ký hợp đồng mua 16 xe tăng Armata mới để phục vụ quá trình thử nghiệm, đánh giá chất lượng và thực chiến của cỗ máy hỏa lực này.
Hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào, ngoài Nhà máy Uralbagonzavod của Nga, chế tạo và sản xuất hàng loạt xe tăng hạng nặng. Theo Tổng Giám đốc Nhà máy Uralvagonzavod, Oleg Sienko, các loại tăng hạng nặng của nước ngoài chủ yếu chỉ được sửa chữa, nâng cấp. Ông cho biết: "Có nước sửa chữa nâng cấp chiếc tăng đến lần thứ 7, thậm chí có nước đã là lần thứ 12". Như vậy, thiết kế Armata đã tạo nên chiếc tăng mới và hoàn toàn khác biệt so với các loại xe tăng của phương Tây. Armata có cấu tạo rất riêng biệt mà không loại tăng nào hiện nay sánh nổi. Những nhà phát triển xe tăng này tuyên bố, đây là loại có thiết kế hoàn toàn mới so với các dòng xe tăng trước đây. Thậm chí, nó sẽ mở ra một bình minh cho xe tăng tương lai do được ứng dụng những công nghệ tân tiến. Với khối lượng chiến đấu từ 30 đến 65 tấn, Armata được thiết kế để có 2 mô hình cấu trúc thân xe phục vụ cho 2 mục đích sử dụng, xe tăng và xe thiết giáp BMT hạng nặng, do đó có 2 khả năng lắp đặt hệ thống động cơ - truyền động lực là hệ thống động cơ - truyền động lực lắp ở phía trước và hệ thống truyền động lực lắp ở phía sau. Khác với các loại tăng cũ, ê kíp lái của Armata được bố trí ở một khoang bọc thép riêng biệt, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế đặc biệt có thể chịu được đòn hỏa lực trực diện của đối phương. Như vậy, ê kíp lái sẽ được bảo vệ với độ an toàn cao; với khoang lái như thế, họ rất chủ động, linh hoạt trong tác chiến. Tăng Armata được lắp đặt hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Trong đó, hệ thống thông tin liên lạc với nhiều kênh được bảo vệ nhờ vỏ giáp thông minh, bởi không tín hiệu bên ngoài nào có thể xâm nhập qua được. Như vậy, liên lạc giữa các tăng thủ được bảo vệ khỏi bị phá hoặc nghe trộm. Và tất nhiên, đối phương cũng khó có thể nghe được hội thoại giữa các kíp lái. Nhờ vậy, tác chiến của đơn vị xe tăng được bảo mật. Điểm đáng lưu ý là trên nền tảng của chiếc Armata, nhà sản xuất có thể sản xuất nhiều loại xe khác như xe tăng hạng nhẹ, xe chiến đấu dành cho bộ binh, xe bọc thép, hệ thống pháo tự hành, xe phá mìn, xe bảo vệ đặc biệt.
Thiết kế chiếc xe tăng Armata là một bước tiến dài của nền công nghiệp quốc phòng Nga. Với Armata, thế hệ tăng mới của Nga sẽ được quy về một chuẩn mà không phải mỗi loại mỗi chuẩn như trước đây. Năm 2015, Armata sẽ chính thức vào biên chế quân đội Nga và từng bước thay thế các dòng tăng chiến đấu chủ lực hiện nay là T-72, T-80 và T-90.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.