Trong những ngày vừa qua, mối quan hệ giữa Belarus với Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva bất ngờ trở nên đặc biệt phức tạp và căng thẳng.
Ba Lan và ba nước kia đều là láng giềng có chung biên giới với Belarus và đều là thành viên của EU và NATO. Mối quan hệ giữa EU và Belarus vốn đã căng thẳng từ sau khi phía EU không còn công nhận tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Mức độ căng thẳng càng gia tăng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine do Belarus đứng hẳn về phía Nga, trở thành mắt xích vô cùng quan trọng trong chiến lược của Nga cho cả cuộc chiến ở Ukraine lẫn cho việc đối phó EU và NATO ở châu Âu.
NATO nói chung và những nước láng giềng trên kia của Belarus đã phải bố trí lại chiến lược và chiến thuật ở châu Âu sau khi Belarus và Nga thỏa thuận, thực hiện thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus - lần đầu tiên kể từ hơn 30 năm nay. Belarus cũng còn có biên giới chung trên bộ với Ukraine. Vì thế, chỉ cần Belarus và Nga liên quân với nhau thì Mỹ, Ukraine, NATO và EU đã phải quan ngại sâu sắc thật sự cho Ucraine chứ chưa cần nói đến việc hai nước này liên thủ cùng đối phó EU và NATO.
Những động thái thời sự nhất trong những ngày vừa qua ở phía Belarus ngoài việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga là Belarus tập trận quân sự ở vùng sát biên giới với Ba Lan, hoạt động của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở vùng gần biên giới Belarus với bốn nước thành viên EU và NATO nói trên và lại có chuyện người di tản, tị nạn từ phía Belarus nhập cảnh trái phép vào Ba Lan và ba nước Baltic.
Trước đây, EU và một số thành viên đã từng gặp nhiều khó khăn, khó xử với dòng người tị nạn và di cư quá cảnh qua Belarus để nhập cảnh trái phép vào các nước thành viên EU. Ba Lan và ba nước Baltic đã phải tăng cường phòng vệ biên giới, sẵn sàng ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra ở vùng biên giới với Belarus, để ngăn chặn người tị nạn và di cư. Họ cáo buộc phía Belarus mở chiến tuyến mới hậu thuẫn Nga ở cả chiến tuyến súng đạn giữa Nga và Ukraine cũng như ở chiến tuyến chính trị giữa Nga và các nước phương Tây.
Dù chiến tuyến này không có tiếng súng nhưng có thể gây ra hệ lụy tai hại cho Ba Lan và ba quốc gia Baltic. Cùng với Mỹ và Anh, bốn nước này thuộc diện hăng hái nhất, quyết tâm nhất trong việc hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga, vì thế trên nhiều phương diện sẽ trở thành những đồng minh quan trọng nhất và quyết định nhất của Ukraine trong cuộc chiến tranh với Nga.
Chiến tuyến này buộc cả bốn thành viên EU và NATO nói trên phải quan tâm nhiều hơn, chi phí nhiều hơn cho việc bảo vệ an ninh của chính họ. Chiến tuyến này không có tiếng súng bởi cả Nga lẫn Belarus sẽ không để xảy ra đụng độ vũ trang với bất kỳ thành viên NATO nào. Hai nước này tránh để xảy ra chiến tranh với NATO cũng như NATO tránh để xảy ra chiến tranh với Nga.
Dù vậy, cả bốn nước kia không thể rũ bỏ được hoàn toàn nỗi ám ảnh và bóng ma rình rập của nguy cơ xảy ra chiến tranh. Họ không còn có thể toàn tâm toàn ý tập trung tất cả trí lực và vật lực để giúp Ukraine đánh bại Nga. Tình trạng này càng dai dẳng thì sự phân rẽ trong nội bộ EU và NATO về trả giá thay cho Ukraine sẽ càng thêm rõ nét và trầm trọng, sự đoàn kết đồng thuận về chính trị và xã hội ở các nước ấy về việc vì Ukraine mà chuốc về nguy hại cũng sẽ càng thêm nghiêm trọng. Cuộc chiến ở Ukraine xem ra bắt đầu đưa lại những dạng cuộc chiến khác tại những vùng miền khác ở châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.